Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

CA H.P TÁC CHIẾN RẤT HAY...(T.V.N)


Hôm nay, (5/2), tròn 1 tháng ngày xảy ra vụ việc Tiên Lãng hiện vẫn đang là tâm chấn dư luận. Tuần Việt Nam tổng hợp lại toàn bộ những phát ngôn của đại diện chính quyền Tiên Lãng và Hải Phòng và ý kiến của các chuyên gia, cựu lãnh đạo và nhân dân Tiên Lãng theo trình tự thời gian từ khi xảy ra sự việc. Quyền bình luận xin nhường lại cho độc giả.
5/1: Chiến sĩ công an, bộ đội bị bắn trong vụ cưỡng chế
Đây là thông tin ban đầu, xuất hiện trên hầu hết các mặt báo. Những bản tin ngắn, không ai ngờ chỉ sau đó vài chục tiếng đồng hồ đã trở thành một cơn bão gây chấn động dư luận ngay những ngày đầu năm mới 2012.
6/1: "Đất quy hoạch, huyện tạm thời cho thuê"


Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng:
“Khu đầm nằm trong vùng quy hoạch sân bay quốc tế Tiên Lãng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tạm thời huyện cho thuê để “phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”. (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 5/1)
“Việc thu hồi 38,5 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại bãi bồi sông Văn Úc, khu vực Cống Rộc, xã Vinh Quang do ông Đoàn Văn Vươn quản lý đến nay đã hết thời gian giao đất theo thẩm quyền” (Người Lao động, 5/1)
Ông Đoàn Văn Mễ, trưởng thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, Tiên Lãng:
"Gia đình còn nghèo nhưng Vươn vay tiền tỉ quyết đầu tư hết vào đầm nuôi trồng thủy sản cùng em trai là Đoàn Văn Quý. Năm 1993, vợ chồng Vươn kéo nhau ra bãi bồi hoang ven biển đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. Con gái đầu của vợ chồng Vươn bị chết đuối tại đầm từ nhỏ khi theo bố mẹ đi khai hoang" (Tiền Phong, 16/1)

Hai anh em Vươn - Quý và ngôi nhà 2 tầng bị san phẳng
Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang:
"Để thực hiện "canh bạc" với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang... Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công" (Vnexpress, 11/1)
7/1: "Biên bản không có giá trị, có thể gây hiểu lầm!"


Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng:
“Biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án mà Thẩm phán Ngô Văn Anh lập không có giá trị pháp lý trong tố tụng hành chính”. “Biên bản thỏa thuận này có thể gây hiểu lầm cho người dân khiến họ coi đó là căn cứ pháp lý giải quyết vụ việc” (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 7/1)
“Pháp luật về tố tụng hành chính không cho phép tòa án công nhận thỏa thuận của các bên đương sự. Biên bản thỏa thuận nếu có chỉ là tài liệu để lưu hồ sơ, không được trao cho các bên đương sự vì không phải là căn cứ pháp lý” (Tuổi Trẻ 10/1)
Thẩm phán Ngô Văn Anh: (Văn bản trả lời khi ông Đoàn Văn Vươn có đơn kiến nghị gửi TAND TP Hải Phòng, ngày 25-6-2010):

“Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án… Để được thuê đất, ông cần làm đơn (và hồ sơ xin thuê đất) gửi UBND huyện Tiên Lãng”. (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh)

Ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT, đại diện theo ủy quyền của UBND huyện Tiên Lãng:

“Nếu các hộ dân rút đơn thì huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật” (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 7/1)
Ông Vũ Văn Luân - người cùng khởi kiện quyết định của UBND huyện Tiên Lãng như ông Vươn:
"UBND huyện Tiên Lãng đã bội ước với tôi. Sau thỏa thuận ở TAND Hải Phòng, tôi rất tin tưởng chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục giao mảnh đất mà chúng tôi đã gắn bó. Nào ngờ họ đã bội ước, thỏa thuận đặt bút ký vào rồi mà về địa phương thì họ bảo cứ phải giao đất rồi mới giải quyết sau". (Tuổi Trẻ 10/1)
"Ngày 9-4-2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, Thẩm phán Ngô Văn Anh làm việc với tôi. UBND huyện cũng thấy yếu lý nên đồng ý thỏa thuận là chúng tôi rút đơn, đổi lại huyện sẽ không thu hồi, tiếp tục cho thuê đất.
Khi làm việc xong vụ của tôi, đóng dấu vào biên bản là đã hơn 11 giờ. Thẩm phán Ngô Văn Anh tiếp tục làm việc với anh Vươn và đại diện UBND huyện là ông Hè. Cũng như tôi, anh Vươn đồng ý rút đơn và ông Hè đồng ý rằng huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất. Tôi cũng ngồi và chứng kiến cuộc làm việc này.
Tuy nhiên, vì quá muộn, cuộc làm việc ấy không kịp lập và đóng dấu biên bản nên thẩm phán hẹn sẽ gửi biên bản về sau. Chia tay, cả thẩm phán và hai bên đương sự đều vui, hẹn nhau ngày 29-4-2010, được nghỉ lễ, sẽ cùng nhau về chỗ đầm hải sản của chúng tôi uống rượu, hòa giải bắt tay nhau. Xem như cả chính quyền và dân đều nhẹ lòng.
Ngày 28-4-2010, nhớ lời hẹn, tôi và anh Vươn phân công nhau chuẩn bị hậu cần để hôm sau đãi khách nhưng gọi lên huyện để mời thì ông nào cũng cáo bận. Sau đó thì chính quyền quay ngoắt" (Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, 12/1)
Ông Phạm Công Hùng, Thẩm phán TAND Tối cao:
"Nếu do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên người khởi kiện đồng ý rút đơn kháng cáo, đơn khởi kiện khi trong tay họ chỉ có một biên bản ghi nhận ý kiến của UBND huyện, còn quyết định thu hồi đất của họ vẫn đang tồn tại trên thực tế thì hơn ai hết, chính thẩm phán giải quyết vụ án đó phải phân tích cho họ nắm được hậu quả pháp lý của việc rút đơn để họ cân nhắc, quyết định. Chỉ khi làm được điều đó thì việc giải quyết mới triệt để, đúng pháp luật và công minh". (Người Lao Động, ngày 9/1)
8/1: "Người dân rất đồng tình với việc cưỡng chế"

Ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng:

“Năm nay tình hình tội phạm nhìn chung là bình thường, không có vấn đề gì cả, tức là vẫn theo quy luật chung ấy. Chỉ có một điểm đặc biệt nhất là vụ việc ở Tiên Lãng mấy ngày gần đây. Đối tượng của vụ việc này, ban đầu đâu phải là tội phạm”. (VnMedia, 8/1)

"Khi chúng tôi cưỡng chế, người dân nơi đây rất đồng tình. Tuy nhiên vụ việc có cái dở đó là tổ công tác khá chủ quan, không lường hết được các tình huống. Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế" .(Vnexpress)
Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng:
“Sau khi vụ việc xảy ra, quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân các xã khu vực ven biển huyện Tiên Lãng, rất bất bình, đề nghị cơ quan chức năng phải sớm đưa ra xét xử nghiêm minh đối với những người cố tình chống đối” (Tuổi Trẻ, 18/1)
Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:
“Chúng tôi khẳng định rằng việc thu hồi đất của huyện là hoàn toàn đúng đắn và đúng thẩm quyền pháp luật” (Giáo dục, 2/2)
Ông Lương Văn Trong, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng:
"Việc thu hồi đất đối với hai hội viên là anh Vươn, ông Luân là trái pháp luật.  Đại diện cho chính quyền huyện Tiên Lãng đã ký thỏa thuận với người dân để giải quyết vụ án hành chính có sự chứng kiến của TAND TP nay lại lật lọng với thỏa thuận đó". (Người Lao Động, ngày 9/1)
Đại diện chính quyền Hải Phòng và Tiên Lãng.
Ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang:
Tôi thấy huyện ra quyết định thu hồi đất không thỏa đáng. Cả cuộc đời cậu ấy cùng mấy anh chị em bỏ ra bám biển sao không giao tiếp cho cậu ấy để người ta làm ăn trả nợ trả nần. Tòa đã hòa giải rồi, hứa hẹn cho thuê tiếp rồi mà lại ra quyết định cưỡng chế thu hồi là không cần thiết. Cần giải quyết bằng đối thoại chứ sao lại đối đầu như thế. Bây giờ cho máy móc phá tan nhà hai tầng của anh em cậu ấy khiến cho dân thắc mắc, xì xào khắp nơi. (Người Lao Động, ngày 9/1)
Ông Phan Văn Thọ, Cục phó Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Tổng cục Quản lý đất đai:
"Trong vụ việc này thấy rõ là người dân bức xúc. Cần phải tìm hiểu là do đâu. Vụ việc này có những vấn đề "bên trong" nhưng chưa biết được. Việc cưỡng chế thu hồi đất có thể chỉ là nguyên nhân ban đầu thôi! Đằng sau sự chống đối tiêu cực của người dân là gì, điều này thì chưa rõ. Giờ bàn luận là rất khó! Hơn nữa đã thành vụ án rồi, nên vụ việc rất phức tạp. Hiện ở một số nơi, quan hệ giữa chính quyền, công an, tòa án với người dân có nhiều vấn đề". (Pháp luật TP Hồ Chí Minh, 10/1)
Luật sư Lê Đức Tiết - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật MTTQ VN:
"Trong thời gian về tận địa phương tìm hiểu sự việc, đoàn chúng tôi tiếp xúc với 11 người không hẹn trước, trong đó có những đảng viên lão thành, có người nguyên là bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, có người có đất bị thu hồi, có những người không có liên quan gì... Tất cả họ đều không tán thành với việc làm của chính quyền nơi đây. Người dân cho rằng chính quyền có những xử lý trái đạo lý, trái luật pháp. Có nhiều người nói đây là vụ việc bất bình thường." (Dân Việt 30/1)
"Rất là hay, rất là đẹp"

Ông Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng:

Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả. (VnMedia, 8/1)
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội:
Khi thấy ông Đỗ Hữu Ca nói rằng "vụ cưỡng chế là một chiến tích lớn của công an Hải Phòng", tôi vô cùng sửng sốt, không thể tin nổi đây là ý kiến của một giám đốc công an TP. Ông Ca dùng các cụm từ "rất là hay", "rất là đẹp" nói về sự phối hợp tác chiến trong vụ cưỡng chế. Thú thật là tôi không biết bình luận thế nào.
Những phát ngôn và cách nhìn nhận hoàn toàn trái ngược nhau giữa chính quyền và các nhà lãnh đạo lão thành, chuyên gia nhân sỹ
Tôi chỉ nhớ nhà thơ Việt Phương từng kể một mẩu chuyện về Bác Hồ mà ông đề cập đến trong bài Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương. Có lần Bác Hồ đã gạch bỏ cụm từ "trận đánh đẹp" trong một văn bản trình lên Bác. Bác nói một trận chiến làm chết nhiều người, dù người ở phía nào chăng nữa, đều không thể gọi là một trận đánh đẹp. Đấy là đánh nhau với địch, còn đây là quan hệ với dân.
Ông Ca còn bảo định viết thành giáo trình nghiệp vụ, thì tôi không hiểu giáo trình ấy viết ra để dạy ai?(Tuần Việt Nam, 3/1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét