Cu làng cát: Vụ cưỡng chế Tiên Lãng: Kiến nghị gửi Bộ Quốc phòng
Vụ cưỡng chế Tiên Lãng: Kiến nghị gửi Bộ Quốc phòng
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hội viên liên quan trong việc phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất, Ban chấp hành liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã chính thức mời Luật sư tham gia tư vấn. Hội cũng đã có công văn kiến nghị với Bộ Quốc phòng làm rõ trách nhiệm đúng sai trong việc để cho đồn biên phòng tham gia vào buổi cưỡng chế.
Mời luật sư trợ giúp pháp lý.
Chiều 6/2, BCH Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng (BCHLCHNTTS) đã chính thức có đơn đề nghị Văn phòng Luật sư Duy Minh thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM trợ giúp pháp lý cho các hội viên của mình. (Ông Đoàn Văn Vươn cũng là một thành viên trong hội - PV).
Theo đó, BCH Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng sẽ nhờ văn phòng Luật sư Duy Minh trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật; Đại diện cho Liên chi hội làm việc với các cơ quan Nhà nước và các cơ quan pháp luật; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hội viên; Bảo vệ quyền lợi hội viên trong việc phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản với chính quyền các cấp; Thực hiện các yêu cầu pháp lý khác khi có yêu cầu cụ thể của Liên Chi hội.
Đại diện Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Trong, Phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho biết: "Các hội viên chúng tôi chỉ tập trung làm ăn kinh tế chứ có mấy khi nghĩ đến chuyện luật pháp gì đâu. Song như trường hợp ông Đoàn Văn Vươn vừa qua, ngay từ bây giờ chúng tôi cần có một văn phòng luật sư để song hành cùng chúng tôi, giúp chúng tôi yên tâm tập trung vào việc sản xuất, còn có vấn đề gì liên quan đến pháp luật thì đã có luật sư lo.
Luật sư Nguyễn Duy Minh, Trưởng Văn phòng Luật sư Duy Minh khẳng định với PV VTC News, phía Văn phòng Luật sư của ông đã nhận được đề nghị này của BCH Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng.
“Ngay chiều n6/02, chúng tôi đã có phản hồi và đồng ý sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ Chi hội và các hội viên khi có yêu cầu cụ thể. Đồng thời, chúng tôi cũng sắp xếp công việc, ra Hải Phòng trực tiếp gặp đại diện Liên Chi hội để tìm hiểu, nắm chắc những vấn đề liên quan của hội viên đang cần kíp hiện nay, nhằm tư vấn cũng như thay mặt cho các hội viên làm việc với các cơ quan chức năng liên quan, bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên Liên chi hội”, luật sư Minh chia sẻ.
Trước đó, liên quan đến vụ cưỡng chế của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, BCH Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã có báo cáo về quá trình cấp, thu hồi và cưỡng chế đất của gia đình ông Vươn gửi các cơ quan ban ngành có liên quan.
Báo cáo này đánh giá cao vai trò của ông Vươn trong quá trình cải tạo, xây dựng khu ao đầm trong suốt thời gian dài.
Trên cơ sở phân tích các văn bản của UBND huyện Tiên Lãng đã ban hành về phần giao đất, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng cho rằng UBND huyện Tiên Lãng không tuân thủ theo pháp luật về đất đai của Nhà nước mà tự đặt ra luật lệ của địa phương nhằm kìm hãm sản xuất và tiến tới tham nhũng đất đai.
Kiến nghị Bộ Quốc Phòng
Cũng liên quan đến vụ việc, ngay trong ngày hôm qua (6/2), Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã có văn bản kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để xem xét trách nhiệm của quân nhân ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng, quân nhân, sĩ quan đồn biên phòng 46 Quang Vinh và Bộ đội chỉ huy Hải Phòng trong việc cho phép lực lượng đồn biên phòng tham gia vào cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Nội dung công văn này nêu rõ, theo quy định Nhà nước, việc cưỡng chế là trách nhiệm của cảnh sát hỗ trợ, không thuộc vai trò vị trí của quân đội trừ khi vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia chống các thế lực phản động nhằm lật đổ chính quyền.
Công văn kiến nghị Bộ Quốc Phòng và lãnh đạo các cấp |
"Ở vụ việc này, chúng tôi cho rằng việc tham gia của của hội đồng cưỡng chế UBND huyện Tiên Lãng đúng ra phải được BCH quân sự, đồn biên phòng 46 phản đối và không cho phép" (trích nội dung công văn của BCH Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng).
Trước đó, trả lời các cơ quan báo chí, Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CATP Hải Phòng cho hay, trong đội cưỡng chế thường có nhiều thành phần liên hiệp khác nhau gồm công an, quân đội, dân phòng, hội phụ nữ… Các lực lượng này đến nhằm mục đích giám sát hành vi cưỡng chế và ngăn chặn bạo lực nếu trong quá trình cưỡng chế nảy sinh.
Vụ nổ súng hôm cưỡng chế (5/1) cũng khiến 2 quân nhân bị thương. Dự kiến trong vài ngày tới, Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan sẽ làm rõ và công bố kết luận về vụ việc này.
Phan Mạnh - Minh Khang/VTC.VN
Chúng dễ điều động quân đội thế này,chúng nổi loạn cũng được sao? Tư lệnh quân khu 3 đâu?
Trả lờiXóa