Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Từ TRỜI SẼ SÁNG

ÔNG AN-VIỆN KIỂM SÁT-TÒA ÁN-NHỮNG "NỖI OAN DẬY ĐẤT"!
09:51 4 thg 12 2011Công khai0 Lượt xem 0

Dọc đường tố tụngThứ Năm, 22/04/2010-10:59 AM
9 mùa trăng oan trái & "kỳ án" ở quận Hà Đông (Kỳ 2)
Tình, Lợi, Kiên và bố của Kiên đang kể lại câu chuyện 9 năm về trướ
Tự bạch của những người bị mất tuổi thanh xuân
Hơn 9 mùa đông đằng đẵng trong trại giam với hơn 400 lá đơn kêu oan, trong số đó có không ít lá được viết bằng máu, vụ án 3 chú cháu dòng họ Nguyễn Đình đã được Viện KSNDTC kháng nghị giám đốc thẩm và họ đã được trả tự do. Tình, Lợi, Kiên khi vướng vòng lao lý đều mới bắt đầu tuổi 20. Giờ, họ bước sang tuổi 30 với những nếp nhăn nhiều hơn thời gian đã trải, nhưng lại bỡ ngỡ, lạc lõng trước cuộc sống đang thay đổi từng ngày.


Chiều thượng tuần tháng tư ảm đạm, trong căn nhà tuềnh toàng, chật chội của cụ Nguyễn Thị Gái (bà nội của Kiên), tôi được nghe trọn vẹn câu chuyện được xem là "kỳ án" từ chính những người bị mất tuổi thanh xuân.

Quả chuỳ định mệnh rơi trúng đầu...

Nguyễn Đình Tình ít tuổi nhất, nhỏ con nhất nhưng về vai vế trong họ lại là chú của Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên. Gần một thập niên trong lao lý, Tình nén chặt nỗi đau để miệt mài đọc sách, tìm hiểu luật pháp, quyết tìm cho bằng được sự công bằng. Quả vậy, tuy mới học hết cấp 2, nhưng cách nói chuyện, sự hiểu biết pháp luật cũng như lập luận của Tình khiến tôi thực sự thấy... choáng. Trước khi tiếp xúc, tôi kịp biết Tình từng học rất giỏi, 9 năm theo học là 9 năm mang về giấy khen. ước mơ được trở thành thầy giáo nhưng chỉ tại cái nghèo, Tình phải nghỉ học khi mới tốt nghiệp cấp 2.
Nhắc đến vụ trọng án trên cánh đồng La Cả, chàng thanh niên mảnh khảnh nhưng lại rất quyết đoán với bao dự định gần mười năm về trước nhíu nhíu chân mày, nhắm nghiền đôi mắt rồi ngửa mặt lên, im lặng. Dường như hành động đó của Tình là để kìm nén sự xúc động và muốn những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Trước khi vào tù, Tình rất dị ứng với những ai hút thuốc lá phì phèo. Nhưng giờ, Tình rút thuốc lá ra châm lửa và nhả khói một cách điệu nghệ. Có lẽ điếu thuốc đã giúp Tình trấn tĩnh lại. Tình kể: "Gần 20h ngày 24/10/2000, tôi và người bạn trai tên Hải sang nhà Uyên (cô gái ở thôn Do Lộ) chơi thì đã thấy Lợi, Kiên ở đó. Chúng tôi cùng Uyên xem phim Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài trên vô tuyến. Hết tập 1, cả 5 người rời nhà Uyên đi dự sinh nhật Nguyễn Thị Doàn ở ngay cạnh nhà Lợi. Khoảng gần 23h, đã tới kẻng an ninh thường lệ của thôn, chúng tôi ra về.
Hôm sau, cũng như bao người dân quanh khu vực, tôi, Lợi và Kiên loáng thoáng nghe đêm qua tại cánh đồng thôn La Cả, xã Dương Nội bên cạnh đã xảy ra vụ cướp tài sản, hiếp dâm. Vụ việc có vẻ gây sốc đối với bà con vùng quê yên bình, nhưng lại nhanh chóng đi qua trí nhớ của 3 chú cháu tôi đang tuổi ăn tuổi lớn. Kiên tranh thủ những ngày phép dọn dẹp, sửa sang các vật dụng gia đình (thời điểm đó Kiên đang là bộ đội thuộc Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 144 bộ binh cơ giới, được nghỉ phép từ ngày 16 đến 29/10/2000). Lợi cặm cụi sửa chữa xe máy tại quán trước cửa nhà. Còn tôi, vất vả hơn, tranh thủ lúc vãn việc đồng áng, tất tả theo các cô chú trong làng ra Hà Đông phụ hồ kiếm tiền đỡ đần bố mẹ" .    

Trầm tư một lát, Tình tiếp: "Sự việc bất ngờ như quả chuỳ từ thinh không vô tình rơi trúng đầu khiến có lúc tôi tưởng mình đã chết. Cuối chiều 13/12/2000, vừa đi phụ hồ về, tôi bị bắt khẩn cấp. Dù hết sức choáng váng và bất ngờ, nhưng trước khi bị đưa lên xe dẫn giải về cơ sở 2 của CA Hà Tây, tôi ném lại cái nhìn uất hận, dõng dạc nói: "Các chú sai rồi. Chắc chắn sẽ có lúc các chú phải giải oan cho cháu, xin lỗi cháu và gia đình".So với Tình và Kiên, Lợi có dáng vóc và khuôn mặt "nhàu" hơn cả. Nhìn những nếp nhăn như... ruộng bậc thang trên trán Lợi, ít ai nghĩ anh mới tròn 30 tuổi. Lợi kể: "Chiều 12/12/2000, 3 chiến sĩ công an đến bảo tôi nhanh chóng sửa giúp vì xe bị chết máy. Loáng cái, tôi đã sửa xong. Họ nhờ tôi đưa đến UBND xã Yên Nghĩa vìồ không biết đường. Tôi vội vã quệt đôi bàn tay dính đầy dầu mỡ vào mớ giẻ đen kịt rồi hớn hở đưa những người đang làm nhiệm vụ tới uỷ ban. Tại đây, họ bất ngờ thay đổi thái độ, tuyên bố tôi bị bắt vì vụ đánh nhau. Ngay lập tức, tôi, với bộ quần áo và đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ lập tức bị dẫởn giải lên cơ sở 2 của Công an Hà Tây. Trên đường bị dẫn giải, tôi bình tĩnh và tự tin đến mức không hề có cảm giác sợ hãi, bởi nghĩ rằng vụ xô xát hồi năm 1998 đã được các gia đình hoà giải xong rồi. Sau này tôi mới biết, hoá ra, một phụ nữ sở tại nói với CQĐT rằng chiếc áo mà hung thủ để lại trên cánh đồng La Cả đêm 24/10/2000 giống chiếc áo mà tôi hay mặc. Đêm xảy ra vụ án thì tôi đi chơi cùng Tình và Kiên".
Trường hợp xuất ngũ kỳ lạ
Kiên với tính cách trầm, kể lại biến cố cuộc đời một cách chậm rãi và nghiêm túc đến nỗi tôi có cảm giác ngay lúc này anh vẫn đang là một quân nhân: "Cuối tháng 10/2000, sau khi hết phép, tôi trở lại đơn vị. Tối 15/12/2000, chỉ huy đơn vị gặp tôi bất ngờ thông báo cho tôi ra quân sớm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cả đêm ấy tôi không sao chợp mắt được, cũng không gọi điện về nhà được. Tôi cứ nghĩ mãi câu nói của người chỉ huy cho tôi xuất ngũ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Gia đình tôi không khá giả, nhưng không đến mức tôi phải ra quân sớm để kiếm tiền. Là sĩ quan quân đội nghỉ hưu, ý nguyện của bố tôi là tôi theo nghiệp của bố. Trong kỳ nghỉ phép thời điểm tháng 10/2000, bà nội và bố mẹ tôi còn  khuyên bảo, dặn dò tôi thực hiện tốt nhiệm vụ để năm 2001 thi chuyên ngành và ở lại quân ngũ. Tôi thấy đêm cuối cùng tại đơn vị thật nặng nề. Sáng 16/12/2000, tôi càng ngạc nhiên khi đơn vị cho hai người dùng xe máy kẹp ba đưa tôi về. Thay vì rẽ vào con đường nhỏ vào nhà tôi, hai cán bộ đưa tôi đến thẳng UBND xã với lời giải thích "làm thủ tục bàn giao lính nghĩa vụ". Tại đây tôi được nghe lệnh bắt mình vì có liên quan đến một vụ cướp tài sản.
Kiên dừng lại nhấp thêm ngụm nước rồi đưa tay đan các ngón vào mái tóc quăn tự nhiên như để buộc cái đầu phải tái hiện lại từng chi tiếtK: "Bố tôi lúc đó là Đảng viên, làm tổ trưởng an ninh xã, sống rất nghiêm khắc, nên trước thông tin tôi tham gia vào một vụ cướp đã rơi vào trạng thái đau đớn, thất vọng như chết đi được. Còn tôi, từ choáng váng chuyển sang cảm giác chếnh choáng như say rượu mạnh, không hiểu mình đang tỉnh hay đang gặp cơn mơ hãi hùng. Thấy các anh công an nói tôi tham gia vào vụ cướp chỉ vài trăm ngàn, tội trạng không lớn, chính bố tôi đã khuyên tôi viết đơn đầu thú. Trong lúc loạn trí ấy, tôi đành...".
Những cái tát "quý giá" của người bạn tù
Nhớ lại 9 mùa trăng oan trái trong tù, Tình tâm sự: "Sau hàng trăm lá đơn gửi đi không có hồi âm, đã có lúc tôi rơi vào tuyệt vọng. Tôi nghĩ, nếu nỗi oan của 3 chú cháu không được minh xét, nghĩa là tôi đã chết hẳn về mặt tinh thần, bởi nỗi nhục, nỗi ám ảnh là kẻ phạm cái tội nhơ nhớp sẽ không buông tha tôi cũng như cả gia đình. "Mình còn sống làm gì? ". Tôi đã từng vò đầu dứt đứt tóc mà không thấy đau khi tự hỏi mình như vậy. Tết năm 2004 - cái Tết thứ 4 tôi xa xã hội, xa ngôi nhà nhỏ trong con ngõ nhỏ với những người thân thương. Tôi biết bà, bố mẹ và em trai tôi những Tết rồi cũng đâu có Tết, bởi có một đứa con đang mang cái tội tày trời là tôi. Bố tôi là bộ đội, khi trở về địa phương tham gia công tác ở xã và là thành viên trong cấp uỷ. Bản án nghiệt ngã dành cho tôi khiến bố tôi cũng bị vạ lây. Tất nhiên là bố tôi phải nhanh chóng tự rút khỏi vị trí công tác, vì ở lại thì cũng không ai chấp nhận. Khác với một hai năm đầu là còn nhiều hy vọng, thậm chí tin rằng nỗi oan của 3 chú cháu sẽ được gỡ bỏ, Tết Giáp Thân năm ấy tôi buồn khủng khiếp. Thực ra, lá thư tôi viết về cho gia đình vào ngày 7/1/2004 chính là sự gửi gắm mà lúc đó tôi nghĩ là những lời cuối cùng với người thân.
Với suy nghĩ dại dột "chết đi là hết", một buổi tối tháng Giêng năm 2004, lúc cả phòng đi sinh hoạt, tôi về trước và đập đầu vào bể nước ở buồng giam. Nhưng đúng lúc đó, một anh bạn tù cũng trở về ngay sau tôi đã phát hiện, lao tới ngăn tôi lại. Thay vì an ủi động viên như mọi khi, người bạn tù mang tội danh cố ý gây thương tích đã túm cổ áo lôi tôi dậy và tát liên tiếp vào mặt khiến tôi nảy đom đóm mắt. Anh ta gằn từng tiếng vào tai tôi: "Làm thân trai mà chết ngu xuẩn, hèn hạ thế à? Tao tin mày bị oan, nhưng nếu mày chết thì ai sẽ minh oan cho mày và giả sử nỗi oan đó được gỡ bỏ thì mày đã thiệt lại càng thiệt hơn". Những cái tát của anh bạn tù đã giúp tôi tỉnh ra, lặng lẽ sống trong 4 bức tường vô cảm, tiếp tục viết đơn và chờ đợi"
.



   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét