Tình tiết quan trọng không có trong hồ sơ
Trở
lại Bản kháng nghị số 02 của VKSNDTC cũng như lời tự bạch của ba chú
cháu: Tại cả hai phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm và kể cả sau khi xét xử
phúc thẩm, các bị cáo và nhiều nhân chứng có đơn xác nhận tối
24/10/2000, các bị cáo Tình, Lợi, Kiên trong khoảng thời gian xảy ra vụ
án đang có mặt trong làng và có đến dự sinh nhật chị Doàn là người cùng
thôn, khoảng 22h20 thì họ mới ở đó ra về. Tuy nhiên, hội đồng xét xử
trong hai phiên toà không quan tâm tới chi tiết trên mà chỉ tập trung
vào các tình tiết buộc tội đã có trong hồ sơ vụ án để kết tội các bị cáo
theo kết luận điều tra và quyết định truy tố. Theo những người tham dự
phiên toà, việc xét hỏi tại cả hai phiên toà là phiến diện, không đầy
đủ, dẫn đến kết luận hai bản án đều không đúng với những tình tiết khách
quan của vụ án.
Tuy
bị bắt vào các ngày khác nhau, giam ở mỗi nơi khác nhau, nhưng sau gần
10 năm gặp lại hàn huyên, ba chú cháu dòng họ Nguyễn Đình mới nhận thấy
một điểm chung là đều bị một nhóm cán bộ điều tra gồm điều tra viên tên
Chiến, Viện, Huấn, Biểu, Nghĩa, Trung và Minh lấy cung. Điểm chung nữa ở
họ là có niềm tin vào công lý. Sau song sắt trại giam, họ vẫn hy vọng
đến một ngày nỗi oan của mình sẽ được sáng tỏ.
Lợi
nhớ lại: "Ngay buổi chiều 12/12/2000, người ta đưa tôi từ UBND xã Yên
Nghĩa lên cơ sở 2, rồi từ cơ sở 2 lên trại Xa La của CA Hà Tây. Trong
nhà tạm giam, có những việc mà cho đến bây giờ, đêm đêm dù được ngủ
trong ngôi nhà bên những người thân thương của mình, tôi vẫn bị giật
thột mỗi khi nghĩ đến. Tôi không bao giờ quên, nhưng cũng không muốn kể
tường tận những gì đã phải trải qua. Chỉ biết rằng sau 3 ngày hỏi cung
thì tôi đành nhận tội. Tôi nhận tội là vì sức chịu đựng của mình kém, vì
trong lơ mơ tôi nghe thấy ai đó nói cứ nhận đi rồi đền mấy trăm nghìn
là xong. Lúc đầu tôi chỉ nhận bừa là mình tôi thực hiện vụ cướp tài sản,
hiếp dâm. Nhưng thật ra, tôi, một thanh niên choai nhà quê mới lớn có
biết cái việc đó thế nào, thực hiện ở đâu, cướp được cái gì, nhưng tôi
vẫn phải nhận. Tưởng nhận rồi thì xong, hôm sau mấy anh công an lại khảo
tiếp vụ này có ba thằng, tối 24/10 mày đi chơi với ai? Đầu óc quay
cuồng, trong lơ mơ, tôi khai có đi chơi với Tình và Kiên. Tỉnh ra, tôi
giận mình vô cùng: Kiên, Tình ơi, tôi đã làm khổ hai người! Đến tháng
7/2002, ba chúng tôi được chuyển đến trại giam Thanh Xuân để thụ án.
Trong buổi học nội quy trại, lần đầu tiên chúng tôi được gặp nhau có vẻ
tự do sau gần 2 năm bị bắt. Dù không ai bảo ai, nhưng cả ba đều có chung
ý nghĩ là phải chấp hành tốt mọi nội quy của trại và chịu khó đọc sách,
tìm hiểu pháp luật để viết đơn kêu oan".
Niềm tin đã thấu lòng người có tâm
Tình
tâm sự: "Tôi từng nghĩ, nếu phải đi hết 14 năm tù mà sự thật chưa sáng
tỏ thì khi mãn hạn trở về, tôi vẫn tiếp tục kêu oan. Vì thế tranh thủ
tất cả các thời gian trống, ba chú cháu tôi lên thư viện đọc sách, đặc
biệt là những cuốn sách về luật hình sự, tố tụng hình sự, từ điển thuật
ngữ pháp lý. Những văn bản của luật sư từng bào chữa trong vụ án của
mình cũng được chúng tôi ghi chép lại nhiều lần, thậm chí thuộc lòng. Từ
đó, chúng tôi hiểu rõ các căn cứ để viết đơn kêu oan. Tháng nào ba chú
cháu và ba gia đình cũng gửi đơn và câu trả lời là sự im lặng đáng sợ.
Mãi đến năm 2004, chúng tôi mới nhận được văn bản trả lời của TANDTC và VKSNDTC, nhưng lại là câu trả lời không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.
|
Ba chú cháu họ Nguyễn Đình xếp lại hàng trăm đơn kêu oan do chính tay họ viết
|
Đối
với mỗi phạm nhân, thành khẩn nhận tội là tiêu chí bắt buộc để đánh giá
hạnh kiểm. Vì phản cung nên dù chăm chỉ lao động, tuân thủ nội quy,
nhưng năm nào ba chú cháu cũng bị xếp loại kém. Riêng tôi - một đối
tượng bị coi là... nhiều chữ nhất, giữa năm 2007 bị chuyển sang thụ án
tại trại Tân Lập ở Phú Thọ. Tại đây, tôi vẫn tiếp tục viết đơn kêu oan
và được sự cảm thông của một số cán bộ trại, tôi càng vững tin vào công
lý".Lợi
kể: "Tháng 12/2006, tôi bị liệt nửa người, được trại Thanh Xuân chuyển
đến Bệnh viện Hà Đông để chữa trị gần 4 tháng. Sau đó, tháng 3/2007, tôi
lại phải nhập viện này gần 2 tháng. Tại đây, tôi gặp bà Phạm Thị Hồng,
cán bộ khoa Phục hồi chức năng - người đã có công đầu sinh ra chúng tôi
lần thứ 2. Bà Hồng quê gốc ở huyện Ba Tri, Bến Tre, là con của hai liệt
sĩ hy sinh thời chống Mỹ. Là người sống nặng vì chữ Tâm, nên khi chăm
sóc bệnh nhân, kể cả là phạm nhân, bà Hồng cũng thường gần gũi quan tâm
và hỏi han hoàn cảnh của họ. Rồi bà biết lý do tù tội của chàng thanh
niên mới ngoài 20 tuổi trán đã đầy nếp nhăn là tôi. Bà bảo, bà được ra
Bắc ăn học là nhờ đồng đội của ba má, nhiều người trong số đó giờ đây
đang là những cán bộ cao cấp. Với sự cảm thông sâu sắc, bà đã lần tìm
những thông tin, chứng cứ ngoại phạm của ba chú cháu tôi và đến năm 2008
bà tự tay làm cái việc ít ai nghĩ đến: viết đơn kêu oan hộ chúng tôi và
gửi thẳng cho một số đồng chí lãnh đạo Trung ương”.
Tiền không thể bù đắp được nỗi đau
Những
lá đơn kêu oan hộ ba chàng trai do ân nhân trực tiếp gửi đã đến tay
những người có trách nhiệm. Sau thời gian dài xem xét lại, tháng
12/2009, các cơ quan tố tụng Hà Nội đã họp và thống nhất đánh giá quá
trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án cướp tài sản, hiếp dâm ở Yên
Nghĩa, Hà Tây (cũ) có nhiều thiếu sót. Ngày 26/1/2010, VKSNDTC đã ra
kháng nghị giám đốc thẩm, nêu và phân tích 9 mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án
và kết luận: Cơ quan điều tra đã điều tra thiếu khách quan, không đầy
đủ, triệt để; nhiều chứng cứ gỡ tội chưa được xác minh làm rõ để kết
luận; công tác điều tra có nhiều vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng.
Các bản án sơ thẩm, phúc thẩm căn cứ vào tài liệu điều tra thiếu khách
quan để kết tội các bị cáo là không có căn cứ. Vì vậy đề nghị TANDTC
giám đốc thẩm bản án phúc thẩm, tuyên các bị cáo không phạm tội cướp tài
sản, hiếp dâm.
Sẽ
thật thiếu sót nếu trong bài viết này không lột tả lên những ánh mắt hy
vọng, những ước mơ giản dị và dự định tương lai tươi trong sáng của ba
chú cháu Tình, Lợi, Kiên sau tất cả những nỗi đau đã trải qua. Lợi sẽ
lại là người thợ sửa chữa xe máy phục vụ bà con; Tình với niềm ước ao
được đi học sẽ tiếp tục bổ túc văn hoá và ngoại ngữ. Tình đã học được
nghề dệt, mơ ước xây dựng được một xưởng dệt nho nhỏ ngay tại địa phương
để phát triển kinh tế và tạo việc làm cho bà con; Kiên sẽ đi học nghề,
có điều kiện về làm giàu tại mảnh đất quê hương.
Sau
khi đề cập đến “kỳ cục án” năm xưa, mấy ngày nay rất nhiều bạn đọc liên
tục gọi điện đến ĐS &PL xin được chia sẻ, cảm thông với 3 chú cháu
dòng họ Nguyễn Đình. Theo họ, nếu việc giám đốc thẩm tuyên 3 chú cháu vô
tội, nghĩa là công lý đã thực sự đến với ba chàng trai. Họ cũng đặt ra
nhiều câu hỏi: Chừng ấy năm, thủ phạm thật của vụ cướp của, hiếp dâm
từng gây chấn động dư luận sao không bị phát hiện, trừng trị? Và với 9
năm tuổi trẻ bị đẩy vào chốn lao tù, sự cay đắng, nhục nhã, thiệt thòi
của ba chàng trai điều gì có thể bù đắp được? Ai sẽ phải chịu trách
nhiệm này? Và tại sao gần 10 năm với hàng trăm lá đơn của họ và gia đình
được gửi đi tất cả các cơ quan chức năng mà đến nay vụ án được coi là
vi phạm điển hình trong lịch sử tố tụng Việt Nam mới được xem xét?.
Phóng sự của Hoài Nguyên
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét