Từ CU VINH.
MỘT BỨC NGỎ…
Hà Nội đêm 2 tháng 5 năm 2012
Kính gửi anh Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên
Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên
Thạc sỹ Ngữ văn, Nhà thơ, Nhà giáo ưu tú
Em là Đào Tiến Thi, biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, người từng biên tập nội dung cho cuốn sách Giúp em nói và viết đúng L/N (xuất bản 2006) mà anh là tác giả, có thể anh còn nhớ.
Thưa anh, trước khi làm cuốn
sách trên, em cũng đã biết đến anh, vì có lần đã gặp anh ở trụ sở Hội
Nhà văn, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, và đã từng đọc một số bài thơ của anh
(hiện anh có bài thơ Hạt mưa trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3). Dịp biên tập nội dung sách Giúp em nói trên, thì có hẳn những cuộc gặp gỡ trao đổi về bản thảo và đến nay em hãy còn giữ cuốn sách Giúp em
có lời đề tặng của anh. Nói thế để thấy em có những ấn tượng nhất định
về anh. Còn đối với anh, tuy cũng là một trí thức nhưng lại là một quan
chức, có thể tất cả những việc đó chỉ là những thủ tục, những việc xã
giao vặt, không có gì phải nhớ. Đó cũng là lẽ thường.
Từ đó không có dịp gặp lại. Với
em, hình ảnh về anh tuy không có gì sâu sắc, nhưng khi nhớ đến vẫn có
một chút cảm tình. Cảm tình vì anh là một nhà giáo, nhà thơ, và tuy lúc
ấy anh là giám đốc sở giáo dục (đang trên đà thăng tiến) nhưng cũng là
người cởi mở, dễ mến.
Và thỉnh thoảng nếu có dịp gặp
người Hưng Yên, em vẫn hỏi thăm về anh. Biết rằng mấy năm trước anh có
gặp vài rắc rối nên được điều về làm bí thư một huyện, tức là con đường
hoạn lộ đang đà thăng tiến có khựng lại một chút. Lúc ấy cứ thương thương anh vì em thường nghĩ trí thức mà làm quan là không hợp. Cánh buồm bể hoạn mênh mang
mà! Nhưng rồi cũng mừng vì gần đây anh không những hết thời kỳ “biếm
trích” (em nghĩ thế) mà lại trở thành PCT thường trực tỉnh. Tuy nhiên từ
khi có rắc rối vụ Văn Giang, em lại lo lo, thương thương cho anh, đoán
rằng thế nào anh cũng sẽ bị giằng xé giữa một bên là thành viên của hệ thống quyền lực với một bên là lương tri của người trí thức, nghệ sỹ.
Điều còn chút yên tâm là trong các tin tức từ Văn Giang, suốt từ khi
“nóng” lên (đầu tháng 4-2012) cho đến ngày xảy ra “trận chiến Văn Giang”
24-4-2012, không thấy anh xuất hiện, khiến em đoán rằng chắc anh cũng
chỉ ở “vòng ngoài” thôi, thủ phạm đích thực là bí thư và chủ tịch kia.
Thế nhưng chiều tối nay đọc bài
tường thuật trên Vietnamnet thì em hết sức sửng sốt, choáng váng đến
không tin ở mắt mình. Em phải hỏi lại một số người để xác định có đúng
là anh Nguyễn Khắc Hào nhà thơ, nguyên giám đốc sở giáo dục hay không.
Với những cụm từ như “thực
hiện theo đúng pháp luật, chế độ”, “chính sách đền bù hỗ trợ cao nhất”,
“giải quyết thoả đáng những kiến nghị chính đáng của người dân”, “chủ
trương đúng, hiệu quả KTXH cao, đúng các quy định của pháp luật, được
đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ”,… anh đã đại diện cho chính
quyền tỉnh Hưng Yên khẳng định rằng trong việc thu hồi, cưỡng chế đất ở
Văn Giang vừa rồi, chính quyền không sai gì cả, trái lại chỉ có người
dân đấu tranh đòi quyền lợi là sai thôi.
Kinh khủng hơn nữa, anh cho sự
chống đối của người dân là do có thế lực phản động (cả trong và ngoài
nước) đứng đằng sau kích động:
“Những người lợi dụng dân
chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước
và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp
luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát
triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.
Trong vụ việc ở Văn Giang,
có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các
thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên
truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ
chính quyền” (Báo cáo của PCT Nguyễn Khắc Hào theo tường thuật của Vietnamnet).
Có lẽ cũng không cần phải tranh luận ở đây. Về cuộc thu hồi, cưỡng chế đất ở Văn Giang, anh có thể xem ý kiến của em trong bài Chỉ vì mấy đồng bạc của nhà tư sản? đăng trên blog Nguyễn Xuân Diện ngày 28-4-2012 và trích đăng cả trên một tờ chính thống là tạp chí Văn hóa Nghệ An ngày 2-5-2012 dưới tiêu đề Tại sao lại nhất thiết phải đổi đất lấy hạ tầng?.
Xin anh hãy xem lại Luật đất đai 2003, xem có điều nào cho phép thu hồi
đất của dân mà đất đó cho doanh nghiệp dùng vào việc kinh doanh (chứ
không phải cho an ninh, quốc phòng hay cho khu công nghiệp, khu công
nghệ cao,… của Chính phủ). Anh hãy xem lại các hình ảnh công an, cảnh
sát cơ động, dân vệ được trang bị vũ khí, dàn trận quy mô hệt như đánh
trận, và quả thực đã có trận chiến với những loạt súng chói gắt, khói
lửa mịt mù…
Và đặc biệt là cảnh lực lượng vũ
trang của nhà nước tấn công người dân: cả chục công an, dân phòng xô
vào khống chế 2 người dân, khiến họ không còn khả năng tự vệ nào để rồi
đổ xuống thân thể họ trận mưa đòn đấm, đá, lên gối, vụt dùi cui, thúc
gậy,… Chắc anh thừa hiểu, ngay cả khi họ phạm tội, cảnh sát cũng không
có quyền đánh như thế, huống chi họ tay không và không có biểu hiện
chống đối nào. Cách đánh người ấy chỉ có ở thời trung cổ, còn nếu thời
hiện đại thì chỉ thấy xảy ra dưới chế độ diệt chủng Pôn-pốt hồi 1975 –
1978. Những hình ảnh mồ mả bị quật tơi bời sau cuộc cưỡng chế
mà TS. Nguyễn Xuân Diện chụp được chiều 30-4 cũng chỉ có thể hiểu là
hình ảnh trả thù kiểu trung cổ mà thôi. Nếu anh cho rằng đấy là sự dàn
dựng của “các thế lực phản động” thì anh hãy cho điều tra rõ ràng rồi
hãy kết luận.
Em cho rằng không phải anh không
biết, thậm chí có thể anh cảm nhận điều ấy sâu sắc hơn em nhiều. Vì nó
diễn ra ngay trên chính quê hương anh. Những người dân hiền lành lam lũ
kia là hình ảnh của ông bà anh, cha mẹ anh, cô bác anh, các anh chị em
họ hàng anh, các bạn bè thuở thơ ấu của anh. Và nhất là vì anh còn là
một nhà thơ, hạng người dễ xúc cảm nhất, hạng người thấy cái đau của
nhân quần chính là cái đau của mình.
Vậy thì vì sao mà anh xông vào
cuộc để đại diện cho chính quyền tỉnh Hưng Yên với những tuyên bố ráo
hoảnh, hăng hái và tự tin như vậy? Theo đó thì người ta thấy anh mới
chính là người quyết đoán nhất trong việc thu hồi, cưỡng chế này, chứ
không phải bí thư, chủ tịch, hai người cấp cao hơn anh.
Việc anh đứng ra chịu trận báo cáo trước Thủ tướng khiến em phải nghĩ đến có một sức ép hay động cơ
gì đó. Sức ép thì có lẽ không: anh có thể từ chối, vì anh chỉ là cấp
phó thôi mà. Em nghĩ thiên về khả năng thứ hai: có lẽ thấy anh còn trẻ
(so với đội ngũ những người “ngang cơ”) nên người ta hứa cho anh vào
những chỗ cao hơn. Và đây là cuộc “sát hạch” đối với anh. Em nghe nói ở
Trung Quốc người ta cũng thường làm như thế. Nghĩa là muốn đặt một quan
chức vào vị trí cao hơn, người ta giao cho anh ta phải làm một việc ÁC
ĐỘC, xem anh ta có dám làm không. Một người ít học bị u mê như thế có
thể hiểu được. Nhưng nếu nó lại là anh, ít ra cũng mang danh trí thức –
nghệ sỹ thì thật là khủng khiếp. Nhưng dù có như thế thì có lẽ vẫn còn
chút hy vọng hơn là do anh nhận thức tự giác, rằng đấy là “lý tưởng”
cống hiến, là hoàn toàn “dấn thân” vì nhân dân.
Và nếu quả anh bị u mê vì những
lời hứa hẹn này nọ để bài binh bố trận chống lại nhân dân thì, thay lời
kết, xin đọc tặng anh mấy câu thơ của Nguyễn Du (mà chắc anh cũng biết)
trong Văn tế thập loại chúng sinh:
- Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời.
- Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Dãi thây trăm họ làm công một người.
- Kìa những kẻ mũ cao áo rộng
Ngọn bút son thác sống ở tay
Kinh luân sẵn một túi đầy
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Ngàn vàng khôn đổi được mình
Lầu ca viện hát tan tành còn đâu.
Kính thư
Đào Tiến Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét