HUYỆN HIỀN Ở TIÊN LÃNG MẤT CHỨC ĐÃ ĐƯỢC "ĐIỀM GIỜI" BÁO TRƯỚC?
* "Trai đốn nhà, đàn bà đốn váy" có phải là chuyện tối kỵ?
Võ Trọng Hiếu
(Tác giả gửi cho Biển Nhớ)
Khu vực huyện đường Tiên Lãng được xây dựng từ thời Pháp, cổng huyện đường quay về hướng Nam, cùng hướng với đình Cựu Đôi. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tiếp quản huyện đường, chính quyền mới đã cho tu sửa và đóng lại cổng cũ, mở cổng mới quay về hướng Tây ra đường lớn trục huyện. Cách đây vừa đúng 30 năm, khi ông Đỗ Đình Trình đang làm tri huyện, ông cho mở lại lối cổng cũ, quay về hướng Nam. Chả biết có phải vì điều này hay không, chỉ biết rằng một thời gian sau, một loạt cán bộ lãnh đạo huyện, kể cả ông Bí thư huyện ủy bay ghế; ông tri huyện Đỗ Đình Trình cùng cả chục vị bầu đoàn dắt díu nhau vào trại giam.
Cuối những năm 70, đầu thập niên 80 thế kỷ trước là những năm đỉnh điểm khó khăn của thời bao cấp, dân tình đói kém vì sự “bế quan, tỏa cảng”. Công bằng mà nói, vốn là người năng động, sáng tạo, ông tri huyện Đỗ Đình Trình thành lập hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, điển hình trong số này là Cty Lương thực, Cty Thương mại. Và, ông tri huyện… đi buôn, chủ yếu là tuyến Bắc- Nam. Hàng hóa trao đổi thì đủ loại, kể cả giò chả Chợ Đôi (Tiên Lãng) cũng lên đường vào Sài Gòn để sau đó, lúa gạo từ đồng bằng Nam bộ âm thầm ngược ra Tiên Lãng. Đời sống dân tình dễ thở hơn, các công trình xây dựng đua nhau mọc lên. Tiên Lãng trở thành đơn vị cấp huyện điển hình của Hải Phòng và của cả nước. Ông Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm Tiên Lãng. Cảm hứng Tiên Lãng có lẽ góp phần khá lớn để Tổng Bí thư cho ra đời chiến lược “Mỗi huyện là một pháo đài”…Cổng cũ trụ sở UBND huyện Tiên Lãng mới được mở lại (Ảnh chụp ngày 11/2/12- ngày huyện Hiền bị đình chỉ chức vụ, việc sửa sang huyện đường còn dở dang)
Thế nhưng, những ai lớn tuổi hẳn còn nhớ, thời đó các trạm thuế quan dày đặc khắp nơi, chỉ cần chục ký gạo buộc sau xe đạp khi từ huyện này sang huyện khác cũng bị thuế vụ bắt giữ, tịch thu. Những hàng quán tư nhân ở tận chốn thôn quê hẻo lánh với ấm nước chè chén, vài chục điếu thuốc lá cuộn, dăm phong kẹo lạc… cũng có thể bị kiểm tra, tịch thu bất cứ lúc nào. Đó là chính sách chung của nhà nước, khắp các tỉnh thành đều vậy. Chuyện ông tri huyện cùng bầu đoàn đi buôn cuối cùng cũng vỡ lở. Giữa năm 1982, ông Đỗ Đình Trình cùng bầu đoàn bị bắt giam, cả Hải Phòng như rung chuyển. Thời ấy, cả nước chỉ có vài tờ báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân và tin bài ở đó toàn là cỡ ở tầm vĩ mô, chiến lược chứ không có chuyện vụ án. Thế nhưng, chỉ bằng phương tiện “truyền khẩu”, tin về vụ án nhanh chóng được loang ra khắp cả nước. Sau vài năm điều tra, vụ án cuối cùng cũng được đưa ra xét xử. Ông tri huyện Đỗ Đình Trình cũng bị kết tội tham nhũng … bộ bàn ghế sa lông do Cty Thương mại biếu cùng chục mét vải là đồ biếu từ Cty Lương thực…
Sau năm 1982, khu vực huyện đường Tiên Lãng đóng lại cổng cũ hướng Nam và lấy lại cổng mới về hướng Tây. Từ đó tới nay, đã qua nhiều đời tri huyện, dù ít người để lại dấu ấn đặc biệt nhưng Tiên Lãng yên bình. Ngày nay khu vực huyện đường đã xây dựng thêm nhiều dãy nhà cao tầng hơn nhưng đẹp và thoáng mát nhất vẫn là dãy nhà 2 tầng, xây dựng từ những năm 60 thế kỷ trước với thiết kế mang dáng dấp Tây phương. Từ xưa, dãy nhà này vẫn là nơi các tri huyện lựa chọn đặt phòng làm việc của mình.
Lê Văn Hiền nhậm chức tri huyện Tiên Lãng từ tháng 7/2007. Khi đã ngồi ấm chỗ, huyện Hiền bắt đầu tính kế “để lại dấu ấn” cho đời sau bằng cách cho xây dựng, sửa sang lại huyện đường. Điểm quan trọng nhất, chẳng biết nghe thầy bà ở đâu, huyện Hiền quyết định đóng cổng mới, cho mở lại cổng cũ hướng Nam, quay về hướng cố hương là xã Vinh Quang. Không những vậy, huyện Hiền còn cho sửa chữa lớn ở dãy nhà 2 tầng- nơi đặt phòng làm việc của mình. Trước đây, dãy nhà này có lối vào cầu thang lên tầng 2 khá nhỏ. Lối đi này đặt ở giữa dãy nhà, thông từ mặt trước ra mặt sau. Huyện Hiền cho cắt rời dãy nhà làm 2 phần ở vị trí cầu thang rồi xây mới gian này với cầu thang cùng cửa ra vào rộng lớn, hoành tráng hơn. Cổng khu huyện đường ở hướng Nam cũng được phá đi, xây lại, to hơn. Tất cả những hạng mục xây dựng này cho đến nay còn dang dở. Cụ Trần Văn, 78 tuổi, nguyên là cán bộ lãnh đạo Huyện đội Tiên Lãng kể: Từ nhiều tháng trước khi xảy ra vụ cưỡng chế ở Vinh Quang, các vị cao niên ở Tiên Lãng thấy huyện Hiền cắt đôi dãy nhà như vậy đã lắc đầu bình luận: “Trai đốn nhà, đàn bà đốn váy”- những điều đại kỵ! Các cụ gần huyện đường cho biết thêm, ở góc sân bên phải phía trước dãy 2 tầng này còn có cây bồ đề hàng trăm tuổi. Cách đây vài năm, khi ông Trần Đình Sắc còn đương chức Phó chủ tịch huyện đã cho đốn một cành cây vươn dài, chọc cả vào tòa nhà. Không biết có sự liên hệ nào không, chỉ biết rằng ít lâu sau, ông Sắc bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, may mà qua khỏi! Ấy vậy mà lần này, huyện Hiền cho bứng luôn cả gốc cây bồ đề!
Cổng mới nhưng nay đã bị đóng
Nghe chúng tôi nói chuyện về huyện Hiền, bác Cả Chiêm- bút danh quen thuộc của thính giả chuyên mục “Từ làng ra phố” trên VOV thở dài: Mấy năm nay, nhìn bề ngoài thì thấy Tiên Lãng có chút đổi mới nhưng sự thực thì người nông dân còn cực hơn những năm 70 thế kỷ trước. Ngày đó, khắp cánh đồng có “mương máng dọc ngang”, mọi công việc vận chuyển phân gio từ nhà ra đồng có xe cải tiến trên bờ mương; chở lúa từ đồng về sân kho HTX có thuyền dưới mương. Còn bây giờ, mương máng không còn, việc vận chuyển lại phải trông cậy ở đôi vai. Những con mương ven đường cũng bị chia lô để bán. Các đại gia ở phố về san lấp rồi dựng lên các biệt thự. Ngày xưa, vấn đề thủy lợi cơ bản đã được cơ khí hóa, điện khí hóa, nước tự chảy vào từng mảnh ruộng. Còn bây giờ, ruộng tư nhân, ai có thân người ấy lo. Cũng may có anh Trung Quốc sản xuất máy bơm giá rẻ, nếu không, chắc phải diễn lại cảnh vợ chồng kẽo kẹt “tát nước đêm trăng”! Chả biết huyện Hiền làm được cái gì cho bà con? Không, không có gì! Ông ta còn lo cho bản thân và gia đình: Khắp các cơ quan ở huyện, từ bà lao công quét rác cũng đều là anh chị em, con cháu huyện Hiền từ xã Vinh Quang đưa lên! Do vậy, việc huyện Hiền bị phế truất, kiểu gì cũng không oan!
VÕ TRỌNG HIẾU
=======================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét