Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

tranhung09:


16/01/2012

Tướng Thước: “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn”

Ghi chú: Đây là bản đầy đủ đăng trên blog Hoàng Hường, những đoạn tô màu đỏ sẫm được biên tập cắt bỏ khi đăng trên Tuần VN.
Cáo lỗi, hồi 16h35′ – Do bài trên blog Hoàng Hường đã bị gỡ bỏ, có thể vì sự “an toàn” nội bộ của TVN, nên BS cũng xin được gỡ bỏ phần “phụ trội”, giữ lại nguyên văn phần đã đăng trên TVN. Mong bà con thông cảm.
Blog Hoàng Hường/TVN

Hoàng Hường thực hiện

Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt.

Những ngày cuối năm Tân Mão, bên cạnh những lo toan bận rộn cho ngày Tết Nguyên đán sắp tới gần, dư luận cũng không quên dành sự chú ý cho hai vụ án đang gây xôn xao: xét xử sát thủ Lê Văn Luyện, và vụ việc chống người thi hành công vụ trong việc cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI, cũng không ngoại lệ. Mang nặng những tâm tư, trăn trở lão tướng 86 tuổi chia sẻ suy nghĩ của ông về ‘vụ án Đoàn Văn Vươn’.
Quá đắt!

Sự việc xảy ra tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 5/1 vừa rồi, chắc trung tướng đã biết. Quan điểm của ông như thế nào?
Theo tôi, sai lầm lớn nhất trong toàn bộ việc này là dư âm và hậu quả của nó sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi Tiên Lãng, Hải Phòng; mà sẽ tác động đến tình hình chung của toàn đất nước.
Những việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền đã xảy ra từ cách đây 20 năm, từ những năm 1990 – 1992. Nhiều địa phương đã phải rút kinh nghiệm rồi, nhưng 20 năm sau một cấp ủy, chính quyền để xảy một sự việc như thế này là một vấn đề không thể chấp nhận được.
Sự việc đúng – sai sẽ còn phải thẩm tra nhiều trên cơ sở các văn bản luật, và Luật đất đai hiện nay vẫn còn nhiều nhược điểm; nhưng dù thế nào đi nữa thì việc để xảy ra sự việc vẫn không thể được. Chưa nói đến việc có thể có việc làm sai luật hay có những động cơ không trong sáng ở phía chính quyền địa phương đằng sau, thì cái sai càng đặc biệt nguy hiểm.
Nói cho cùng, dù là chủ trương đúng hay lý lẽ đúng, mà chủ trương ấy đẩy người dân vào tù; chiến sĩ lực lượng vũ trang bị bắn thương tích thì việc cưỡng chế đó được mấy chục ha hay mấy trăm ha đất vẫn đều là cái giá quá đắt. Tính chất chính trị của vụ việc sẽ có những tác động sâu xa đến chế độ này như thế nào?
Có thể nói, chủ trương của các cấp lãnh đạo trong hệ thống chính quyền địa phương trong vụ việc này đã không trên cơ sở vì lợi ích của quốc gia và nhân dân; đặc biệt là lợi ích quốc gia là trên hết.
Cho dù luật có thể có hạn chế, nhưng một cấp ủy vì dân sẽ biết cách hạn chế được những thiệt hại đó. Còn việc Luật hiện nay có phù hợp không thì ta phải chờ Quốc hội bàn bạc. 
Để xảy ra hậu quả này, không chỉ chính quyền Tiên Lãng, mà những lãnh đạo cấp trên như TP Hải Phòng, bộ ngành phải đều phải chịu trách nhiệm. Tôi rất ngạc nhiên một sự việc nghiêm trọng như vậy đã xảy ra mà đến giờ này các cấp lãnh đạo Hải Phòng vẫn chưa hề có tuyên bố gì chính thức, vẫn chỉ để ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng phát biểu.
Không lẽ Tỉnh ngồi đó, để mặc Huyện và Xã tự làm gì thì làm?
Dù sao vẫn còn may dân mình rất hiền lành, kiên nhẫn, và nghe theo lời của Đảng và Nhà nước. Cho nên có những việc người dân biết mình bị thiệt hại nhưng họ thấy thôi dân mất nhưng Nhà nước được thì cũng thế cả, nên người dân kiên nhẫn chứ không phải họ không biết gì đâu. Nhưng cũng có những người không kiên nhẫn, kiềm chế được thì xảy ra manh động. Đây là lỗi của những lãnh đạo cấp ủy.
Qua báo chí, tôi đọc lời phát biểu của ông nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang, Tiên Lãng, người đã giao đất cho anh Đoàn Văn Vươn mười mấy năm trước thấy rất nhiều vấn đề. Ông là người thế hệ trước, là người giao đất và chứng kiến người nông dân ấy vỡ hoang từ những ngày đầu. Ông cũng là người nắm rõ chủ trương và hoàn cảnh của người dân nhất.
Những anh sau này mới lên thì đã biết gì, sao nắm được những lịch sử ấy mà lại hồ đồ cho rằng “anh Vươn không có công lao gì”, rồi dùng quyền lực cá nhân áp đặt. 

Chưa nói sau những việc này là động cơ gì thì còn sâu xa hơn nữa. Những người đó sao đại diện cho dân được.
Theo tôi sau vụ này, toàn bộ các cấp từ tỉnh huyện xã, đến tòa án, quân đội, công an đều phải nghiêm túc ngồi lại kiểm điểm và nghiêm khắc rà soát kỷ luật, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân.
Mọi việc cụ thể còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra tỉ mỉ, nhưng có điều rõ ràng vụ việc Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn cho uy tín của các cấp ủy và chính quyền Hải Phòng và ảnh hưởng xấu đến cả nước.
H.H.

Ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang:“Để thực hiện “canh bạc” với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang… Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công”Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng“Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”Theo Vnexpre
________________________
tranhung09:
Những suy nghĩ của TT Nguyễn Quốc Phước, có tâm và tầm. Bác xứng danh là tướng trung thần.
 

________________________________________________________________________________

Ghi chú: Đây là bản đã được biên tập và sửa soạn đăng của một tờ tạp chí, có trang mạng, nhưng rồi không rõ vì sao không đăng nữa và lịch sự gửi lời xin lỗi đến tác giả. Sắp Tết rồi, chắc là ai cũng muốn có những ngày quần tụ vui vẻ bên người thân, làng báo cũng vậy, không muốn như đại gia đình ông Vươn.

Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn 

Nguyễn Quang A 
Năm 2012 mở đầu bằng một vụ cưỡng chế thu hồi đất tai họa. Tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, bốn công an và hai bộ đội tham gia thi hành cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đã bị mìn tự tạo và súng săn của những người bị thu hồi đất làm trọng thương. Ngày 7-1-2012 Cơ quan cảnh sát điều tra Hải Phòng đã khởi tố vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ”.
Đây là một vụ hết sức nghiêm trọng, sẽ đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam và chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi và tác động sâu sắc đến luật đất đai sắp tới.
Bài này chỉ  nêu ra vài câu hỏi dựa trên những thông tin do báo chí  cung cấp để góp phần vào cuộc tranh luận đó nhằm tránh những sự cố đáng tiếc như vụ cưỡng chế thu hồi đất này.

Trước khi nêu ra các câu hỏi đó, cần tóm tắt các sự kiện do báo chí đưa cho đến 13-1-2012.
Theo đó, anh Đoàn Văn Vươn, một người lính, một kỹ sư nông lâm, khi ra quân năm 1986, đã trở về địa phương lấn biển, trồng cây, đắp đê để tạo thành hồ nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều năm trời, Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ hàng đã vật lộn với biển, bão tố và quần quật lao động đưa hơn 20.000 m3 đất, đá về để lấn, cải tạo biển thành đầm nuôi tôm. Anh đã mất đứa con gái yêu 8 tuổi chính tại nơi đây.
Trong cuộc họp báo ngày 12-1-2012 của Ủy Ban Nhân Dân thành phố  Hải Phòng, ông Lê Văn Hiền chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết: năm 1993, huyện chỉ giao 21 ha đất bãi bồi ven biển cho ông Vươn, sau đó ông Vươn lấn ra biển thêm 19,3 ha phía ngoài, rồi đề nghị hợp thức hóa, được huyện ra quyết định giao đất bổ sung.
Như thế  tổng cộng huyện đã giao cho anh Vươn 40,3 ha.
Theo ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng, huyện Tiên Lãng giao 21ha đất bãi bồi cho ông Vươn vào ngày 4-10-1993 trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993) và theo ông là căn cứ vào Luật Đất đai năm 1987. Còn khu đầm 19,3 ha của ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất vào năm 1997. 
Theo Người Lao Độnghết thời hạn, UBND huyện ra quyết định thu hồi khu đầm này. Sau đó, các hộ dân đã khởi kiện ra TAND huyện Tiên Lãng yêu cầu hủy quyết định thu hồi diện tích đầm trên. Tháng 11-2009, TAND huyện mở phiên sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của các hộ dân. 
Các hộ  dân này đã kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng. Trong quá  trình thụ lý vụ  án, ngày 9-4-2010, thẩm phán Ngô  Văn Anh đã lập “biên bản tạo  điều kiện cho các đương sự  tự thỏa thuận với nhau về  việc giải quyết vụ án”  có đóng dấu của TAND TP Hải Phòng. Theo biên bản này, ông Đoàn Văn Vươn sẽ rút  đơn kiện, còn UBND huyện Tiên Lãng đồng ý cho ông Vươn và  các hộ dân tiếp tục thuê  lại đầm. Tuy nhiên, vừa qua, UBND ra quyết  định thu hồi đất của  ông Vươn và tổ chức cưỡng chế  vào ngày 5-1.” 
Ông chủ tịch huyện Tiên Lãng thừa nhận “ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế”. Nói cách khác các lực lượng cưỡng chế đã tiến vào khu vực không bị cưỡng chế, và việc nổ mìn, bắn súng đã xảy ra trên phần đất đó, chứ hoàn toàn không phải trên phần đất của anh Vươn mà chính quyền muốn cưỡng chế.
Vấn  đề mấu chốt ở đây là phải rạch ròi giữa  đất công (do nhà nước hay một cộng đồng sở  hữu) và đất tư (do các cá nhân hay các tổ  chức của họ sở hữu).
Theo luật tự nhiên, đất hoang được ai khai phá là đất của người ấy. Người dân có thể sở hữu  đất bằng cách khai khẩn đất vô chủ, mua hay nhận chuyển nhượng đất đã có chủ (từ  các chủ trước mà có thể nhà nước, cộng đồng hay các cá nhân khác). Theo luật tự nhiên, đầm do người dân lấn biển để nuôi trồng thủy sản ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng phải thuộc sở hữu của họ.
Nói như  thế không có nghĩa là các cá nhân có  thể xâm phạm đất đã có chủ (dù  là của nhà nước hay của các chủ khác); khi họ khai khẩn đất được cho là đất hoang (nếu không có chủ sở hữu nào khác chứng minh đất đó thuộc sở hữu của mình) thì nhà nước phải thừa nhận đất hoang được họ khai khẩn là đất của họ. Đất do nhà nước sở hữu cũng phải có hồ sơ quyền sở hữu như của cá nhân và cộng đồng, thí dụ đất của phủ chủ tịch cũng phải có hồ sơ (sổ đỏ) giao cho một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước nhất định (Văn phòng chủ tịch nước chẳng hạn) và phải được lưu trữ trong hồ sơ của cơ quan quản lý đất đai giống như đất thuộc sở hữu khác.
Đáng tiếc từ các năm 1980 đến nay nhà nước Việt Nam quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” ngược với luật tự nhiên mà luật pháp của hầu hết các nước (kể cả Việt Nam trước kia) đều chấp nhận (tức là thừa nhận sở hữu tư nhân về đất và có sự phân định rạch ròi giữa đất công và đất tư). Đấy là điểm mấu chốt (bên cạnh việc nới rộng hạn điền để khuyến khích tích tụ ruộng đất) mà luật đất đai (sửa đổi hay mới) phải nên đưa vào.
Dưới đây, chúng ta bám theo các luật đất đai hiện hành, bất chấp sự thiếu sót nghiêm trọng nêu trên mà luật đất đai mới phải sửa đổi, để nêu ra vài câu hỏi.
  1. Rành rành chủ tịch huyện Tiên Lãng đã vi phạm các luật đất đai hiện hành: huyện không được phép giao diện tích đất lớn như vậy theo bất cứ luật đất đai hiện hành nào. Hạn mức đất nêu trong các luật đó quá nhỏ không phù hợp với và cản trở sự phát triển của sản xuất và hiện đại hóa. Luật đã lạc hậu và tất cả các cơ quan nhà nước đều đã ngầm cho phép vượt rào về hạn mức. Và sự vi phạm này của các cơ quan nhà nước lại đáng hoan nghênh và lỗi hoàn toàn thuộc về Quốc Hội do đã chần chừ trong việc bãi bỏ hay nới rộng hạn mức.
  2. Rành rành chủ tịch huyện Tiên Lãng đã vi phạm quy định về thời hạn giao đất: theo Điều 20 Luật Đất Đai 1993 và Điều 67 của Luật Đất Đai 2003, thời hạn giao đất để nuôi trồng thủy sản là 20 năm, chứ không hơn, không kém.
  3. Và theo quy định của luật thì thời hạn của 21 ha phải đến 2014 mới hết 20 năm (không thể vin vào lý do giao đất 11 ngày trước khi Luật 1993 có hiệu lực vì khi đó chủ tịch huyện còn phạm tội cố ý lách luật do Luật này được ban hành ngày 14-7-1993 và có hiệu lực vào ngày 15-10-1993 và 11 ngày sau cũng phải hiệu chỉnh thời hạn); và thời hạn của 19,3 ha đất được giao năm 1997 phải đến 2018 mới hết hạn. Đó là chưa nói đến diện tích hồ do người dân lấn biển tạo ra mà thực chất phải thuộc quyền sở hữu của người khai phá có được coi là đất hay không, có thuộc phạm vi quy định của các luật đất đai hay không. Hơn nữa, chỉ được thu hồi đất theo Điều 26 và 27 của Luật đó (hay Điều 39 của Luật Đất Đai 2003) mà rõ ràng theo các điều này thì không thể thu hồi như quyết định của chủ tịch huyện Tiên Lãng.
Dựa vào thông tin diễn biến và 3 điểm nêu trên có thể  nêu ra vài cấu hỏi như sau:
  1. Tại sao không xử lý chủ tịch huyện Tiên Lãng về những sự vi phạm pháp luật rành rành nêu ở điểm 2 và 3 kể trên trong suốt thời gian rất dài? Tại sao những kẻ lộng hành và thiếu hiểu biết về pháp luật lại được đưa vào các chức vụ quan trọng như vậy? Các nhà chức trách của thành phố Hải Phòng và trung ương tại sao đã không xử lý?
  2. Tại sao chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng lại muốn thu hồi hơn 40 ha của anh Vươn để chia nhỏ rồi giao cho những người khác? Vì việc chia nhỏ không phù hợp với sự phát triển của kinh doanh nuôi trồng, phá hoại sản xuất. Và những người khác này là ai? Liệu có sự cấu kết giữa ông anh chủ tịch UBND huyện và ông em chủ tịch UBND xã? Việc thu hồi không đền bù là sự cướp đoạt tài sản một cách trắng trợn và trái luật và ông chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng có phạm tội lạm quyền?
  3. Liệu quyết định thu hồi đất của chủ tịch huyện Tiên Lãng là trái luật? (Theo các thông tin nêu ở các điểm 2 đến 3 kể trên, thì quyết định thu hồi đất là hoàn toàn trái luật và việc người dân kiện chính quyền và việc tòa yêu cầu 2 bên hòa giải là minh chứng rõ ràng về sự vi phạm luật đó của chính quyền; chúng ta không bàn ở đây về chuyện “hòa giải” và biên bản hòa giải của tòa án, cũng như hành xử của chính quyền sau đó).
  4. Nếu quyết định thu hồi đất là trái luật, thì việc cưỡng chế thu hồi đất là trái luật và trong trường hợp đó những người tham gia cưỡng chế có thể được coi là “những người thi hành công vụ” hay không? Việc lực lượng cưỡng chế tiến vào đất không bị cưỡng chế đã minh chứng rõ ràng về việc làm sai trái của họ và như thế khó có thể gọi họ là những người “thi hành công vụ” mà phải gọi là “những kẻ lạm hành công vụ”. Và nếu như vậy thì quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” liệu có trái luật hay là sự lạm quyền?
  5. Tại sao bộ đội lại tham gia? Nếu bộ đội công binh được huy động để gỡ mìn chỉ sau khi mìn đã nổ thì còn có thể hiểu được. Nếu bộ đội được huy động để tham gia cưỡng chế từ đầu, thì không thể chấp nhận được; quân đội không được phép làm việc đó; sứ mạng của quân đội là chống ngoại xâm chứ không được tham gia giải quyết tranh chấp dân sự; trong trường hợp này phải đưa người đã lệnh cho bộ đội tham gia cưỡng chế ra trước tòa án binh. Bộ Quốc phòng phải làm rõ các vấn đề này để nhân dân được biết và nếu sai (tức là bộ đội được huy động từ đầu) thì phải xử lý nghiêm những kẻ vi phạm để bảo vệ uy tín của quân đội.
  6. Tại sao những người cưỡng chế lại mang vũ khí tiến vào khu nhà 2 tầng của anh Đào Văn Quý mà khu vực đó không phải là khu vực bị chính quyền thu hồi? Hành động đó có vi phạm chủ quyền của chủ nhà và các quyền công dân khác? Theo tôi là có, và vì thế họ không được coi là những người thi hành công vụ và hành động chống trả phải được xem là phòng vệ chính đáng.
Theo tôi, nguyên nhân chính của vụ đáng tiếc xảy ra ngày 5-1-2012 tại cống Rộc, Quang Vinh, Tiên Lãng, Hải Phòng là những sự vi phạm luật liên tiếp của chủ tịch huyện Tiên Lãng như nêu ở trên và trong các câu hỏi ở các điểm 4-7 và điểm 9 ở trên, cũng như sự vi phạm luật của chính quyền trong việc ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế. Những người lộng hành và vi phạm luật như ông chủ tịch huyện phải bị trừng trị. Chính sự lộng quyền, sự vi phạm pháp luật trắng trợn của người đứng đầu huyện Tiên Lãng đã đẩy gia đình anh Vươn vào bước đường cùng.
Và khi xem xét hành động đáng tiếc của anh Đào Văn Quý (người đã bắn) phải lưu ý đến bối cảnh ấy.
  1. Theo điểm 7 và 9 nêu trên, liệu hành động chống trả của anh Đào Văn Quý có phải là hành vi “phòng vệ chính đáng” hoặc hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 15 của Bộ Luật Hình sự?
  2. Tại sao Hội Nông Dân và Hội cựu chiến binh không can thiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên của mình trong suốt thời gian tranh chấp cũng như sau khi vụ việc đã xảy ra? Hay tổ chức xã hội dân sự nào có thể giúp những người cựu chiến binh và nông dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước sự lộng hành của các quan chức địa phương?
Để trả lời cho các câu hỏi trên không thể giao cho chính quyền Hải Phòng xem xét, như việc Bộ Tài nguyên môi trường giao cho sở Tài nguyên môi trường làm rõ, mà các cơ quant rung ương phải nhanh chóng vào cuộc.
Và có  thể còn phải đặt ra nhiều câu hỏi khác, thí  dụ vai trò và trách nhiệm của Quốc Hội  đến đâu?
Vụ đáng tiếc ở Tiên Lãng ngày 5-1-2012 là vụ hết sức nghiêm trọng. Chúng ta chờ xem Quốc Hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp hành xử ra sao. Nếu dung túng các quan chức địa phương, không nghiêm trị các hành vi phạm pháp luật của họ, nếu xử không công bằng đối với những người vừa bị bắt, thì hậu quả có thể rất khó lường.
N.Q.A
 Theo: Basamnews on 16/01/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét