Lê Hiền Đức
Liên quan "Vụ án nổ súng, đặt mìn chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 5-1-2012" theo cách gọi của chính quyền thành phố Hải Phòng, ngày 10-1-2012, Viện kiểm sát thành phố này đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, cho bắt tạm giam các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh (anh ruột ông Vươn), Đoàn Văn Quý (em ruột ông Vươn) và anh Đoàn Văn Vệ (cháu ruột ông Vươn) về tội giết người, đồng thời khởi tố bị can, cho tại ngoại hầu tra đối với các bà Phạm Thị Báu (em dâu ông Vươn), Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) về tội chống người thi hành công vụ. Em Đoàn Xuân Quỳnh (con ông Vươn, sinh năm 1995, đang học lớp 11, đã bị bắt mấy ngày) được giao về cho gia đình quản lí song vẫn bị cơ quan công an đe là "sẽ xem xét sau".
Ở đâu, giết người và chống người thi hành công vụ cũng là trọng tội. Giết người thi hành công vụ, tội càng nghiêm trọng. Vậy hãy xem trên các báo "lề phải" của Việt Nam, người ta nói thế nào về đối tượng mà ông Đoàn Văn Vươn và người thân nổ súng, đặt mìn để chống lại.
Ông Vũ Trọng Kim (uỷ viên Trung ương - Đảng cộng sản, phó chủ tịch kiêm tổng thư kí Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc) nhận xét việc cưỡng chế thu hồi có dấu hiệu áp đặt không khác gì cưỡng đoạt, thiếu coi trọng quyền lợi người dân trong khi họ đã bỏ công sức, sinh mạng để gây dựng; việc huy động quân đội có dấu hiệu vi hiến. Ông Lê Đức Tiết (luật sư, phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc) cho rằng không có có sở pháp luật để thu hồi đất mà huy động lực lượng cưỡng chế dân là hành vi bất thường; tòa sơ thẩm huyện không có căn cứ pháp luật để công nhận việc làm của chính quyền huyện là đúng, tòa phúc thẩm "mặc cả" quyền kháng cáo của dân là trái nguyên tắc xét xử hai cấp; lực lượng cưỡng chế phá hủy căn nhà không nằm trên diện tích đất phải cưỡng chế là vi phạm pháp luật; mọi lí do đưa ra để bào chữa cho việc thu hồi đất trái pháp luật đều không thể chấp nhận. Đặc biệt, ông Tiết còn nhận xét chính quyền địa phương chưa nhận ra bản chất vấn đề, đã có hành vi cố ý làm sai pháp luật với động cơ không minh bạch, để xử lí không thể dựa vào phê bình và tự phê bình được nữa. Ông Đặng Hùng Võ (giáo sư, tiến sĩ, cựu thứ trưởng Bộ tài nguyên - môi trường) nhận xét chính quyền huyện Tiên Lãng có nhiều cái sai, các quyết định giao đất cho ông Vươn đều trái Luật đất đai, quyết định thu hồi đất vừa trái luật vừa trái đạo lí, cố tình tước bỏ quyền lợi của dân.
Ông Lê Đức Anh (đại tướng, cựu uỷ viên Bộ chính trị - Đảng cộng sản, cựu chủ tịch nước) khẳng định chính quyền sai từ xã đến huyện, đã để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lí đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lí, đã cố thu hồi đất đối với người làm được, làm tốt, cố tình tiến hành thu hồi trái pháp luật, dồn người dân vào chân tường; phá nhà dân là hành vi bất chấp luật pháp, cưỡng chế là sai, dùng bộ đội và công an để cưỡng chế là càng sai. Ông Nguyễn Quốc Thước (trung tướng, cựu uỷ viên Trung ương - Đảng cộng sản, cựu tư lệnh Quân khu 4, cựu đại biểu Quốc hội) cho rằng trong vụ việc này, các cấp lãnh đạo địa phương đã không nhằm vào lợi ích của quốc gia và nhân dân, không xứng đáng đại diện cho dân. Ông Phạm Xuân Thệ (trung tướng, cựu tư lệnh Quân khu I) cho rằng chính quyền địa phương quá non kém về chính trị, đã lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi nhân dân; đưa lực lượng liên ngành tạo nên một cuộc cưỡng chế rầm rộ chẳng khác gì đẩy người nông dân lương thiện vào đường cùng, biến họ thành tội phạm. Ông Huỳnh Đắc Hương (thiếu tướng, cựu phó chính ủy Quân khu Tây Bắc, cựu thứ trưởng Bộ lao động - thương binh - xã hội) khẳng định sự chống đối của người dân xuất phát từ cách làm của chính quyền; cưỡng chế, hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn là không có tấm lòng.
Ông Trần Vũ Hải (luật sư) cho rằng chỉ với việc đánh sập ngôi nhà không nằm trong diện tích đất bị cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn đã có đủ yếu tố cấu thành hành vi cố ý hủy hoại tài sản của công dân, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 143 - Bộ luật hình sự; nếu mở rộng vụ án để xem xét việc thu hồi, cưỡng chế, giải quyết khiếu nại, khởi kiện có đúng pháp luật hay không thì còn có thể truy tố chính quyền huyện Tiên Lãng theo những tội danh sau: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 281 Bộ luật hình sự); lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ (điều 282); thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (điều 285); vi phạm các quy định về quản lí đất đai (điều 174). Các ông Trần Công Trục (luật sư, cựu trưởng ban Biên giới chính phủ), Đinh Xuân Thảo (tiến sĩ, viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp - Ủy ban thường vụ Quốc hội), Phạm Thanh Bình (luật sư), Trương Anh Tú (luật sư) cũng cho rằng việc cưỡng chế không đúng luật pháp, chính quyền địa phương phải bồi thường cả về vật chất lẫn tinh thần cho việc huỷ hoại ngôi nhà và tài sản nằm ngoài phạm vi cưỡng chế, phải xử lí những người liên quan. Ông Bình còn khẳng định việc cán bộ Tòa án huyện Tiên Lãng đến hòa giải, vận động đương sự rút đơn là hành vi trái pháp luật.
Ông Bùi Hoàng Tám đánh giá việc uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại đổ tội cho nhân dân, vu vạ cho cấp dưới là vô liêm sỉ, là sự lèo lá, tráo trở đã không còn giới hạn.
Mới trên các báo "lề phải" thôi, y sì, không suy diễn mà đã rõ mười mươi chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng cố ý vi hiến, vi phạm pháp luật, bất chấp luật pháp, có nhiều cái sai, vừa trái luật vừa trái đạo lí, vô liêm sỉ, lèo lá, tráo trở tới mức không còn giới hạn, cố tình cưỡng đoạt, tước bỏ quyền lợi của người dân, hủy hoại tài sản của công dân, không nhằm vào lợi ích của quốc gia và nhân dân, không xứng đáng đại diện cho dân, lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi của nhân dân, đẩy người nông dân lương thiện vào đường cùng và biến họ thành tội phạm… Dân gian có câu: "Con ơi nhớ lấy câu này - Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". Đối với ông Đoàn Văn Vươn và rất nhiều người dân lao động cần cù, chân chính khác, chính quyền huyện Tiên Lãng, thậm chí cả chính quyền thành phố Hải Phòng thật sự là bọn cướp ngày, là mối hoạ lớn. Ông Đoàn Văn Vươn đã kêu cầu nhiều lần, nhiều nơi song chẳng ích gì bởi bọn cướp ngày kia quyết tâm cưỡng đoạt lấy được thành quả lao động của ông. Trong bối cảnh ông càng nhân nhượng thì chúng càng lấn tới, bối cảnh mà ông Lê Đức Tiết nhận xét là "để xử lí không thể dựa vào phê bình và tự phê bình được nữa", thử hỏi ngoài vùng lên, có súng dùng súng, có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ông Đoàn Văn Vươn còn cách nào khác? (*)
Chiểu theo lời Hồ Chí Minh từng khẳng định một cách mạnh mẽ: "Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ", rõ ràng hành động của ông Đoàn Văn Vươn là chính đáng, chính nghĩa, cần được ủng hộ, tôn vinh. Chỉ cần đọc các báo "lề phải" thôi, cũng đã biết lòng dân đang nghiêng về đâu. Nếu đọc thêm các trang mạng, các bài viết của những vị ít nhiều có tiếng là đức cao vọng trọng như Nguyễn Quang A, Huy Đức, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Quang Vinh, điều ấy sẽ càng thêm rõ.
Vì dân vi bang bản, ý dân là ý trời nên chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lí, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự phóng to của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng mà thôi. Và chừng đó, trên khắp đất nước Việt Nam này sẽ xuất hiện thêm nhiều Đoàn Văn Vươn, kèm theo đó là hàng triệu, hàng triệu người ủng hộ, tôn vinh Đoàn Văn Vươn.
Với các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang mang danh từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, tôi muốn mượn hai câu thơ hồi kháng chiến chống Pháp chúng tôi hay dùng vận động nguỵ quân để nhắn nhủ:
Trong tay cầm khẩu súng dài
Ngắm đi ngắm lại, bắn ai thế này?
Lê Hiền Đức
(*) Mượn ý trong "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. # Bài viết do Tác giả gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét