THỨ BẢY, NGÀY 21 THÁNG MỘT NĂM 2012
NGÀY CUỐI NĂM Ở CỐNG RỘC
Tết cận kề, để cho thanh thản, mình post bài "cuối năm một canh quan họ", bài in ở một tờ báo số tất niên, nhẹ nhõm và thanh thản. Nhưng đang dự tất niên với xóm nhà mình, một bác nhà báo gọi: "Không thể không nóng vụ Đoàn Văn Vươn VCH ơi. Tớ là người trực tiếp vừa đi khảo sát nơi ấy về, biết là VCH đang... nhậu, nhưng vẫn gửi 1 bài nóng góp... vui, suỵt quên, góp buồn. Blog VCH nên đi tiếp bài này nữa, tớ kể trung thực những gì mình thấy...
Đọc một hơi, thấy không thể không đăng, bèn đưa lên đây để bà con tường.
-----------------
Ngày 19/1/2012
Đọc một hơi, thấy không thể không đăng, bèn đưa lên đây để bà con tường.
-----------------
Ngày cuối năm ở Cống Rộc
Mây Dừng Bay
Còn ba ngày nữa là tết Nhâm Thìn, ngày 26 tháng Chạp, từ tinh mơ, chúng tôi gồm: luật sư Vũ Lợi, nhà báo Lê Tự, nhà báo Hoàng Linh và tôi xuất phát từ Hà Nội từ rất sớm. Do lái xe biết đường nên đã chọn đường ngắn nhất để tới huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đến ngã ba cống Rộc thuộc địa phận xã Vinh Quang mới có 8 giờ sáng, xe dừng ở ngã ba. Chúng tôi đi bộ lên con đê chắn sóng, phía sau đê là bạt ngàn cây bần, cây sú, cây vẹt chắn sóng lá xanh tốt, thân cây khỏe khoắn.
Đê chắn sóng ở ngã ba Cống Rộc
Cống Rộc, thuộc xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng
Cống Rộc, thuộc xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng
Chúng tôi hỏi thăm dân thôn đi đường để gặp vợ con anh Đoàn Văn Vươn và các gia đình bị can đã bị khởi tố tội giết người trong vụ việc Cưỡng chế 40,6 ha diện tích mặt đầm nuôi thả thủy sản mà anh Vươn đã được giao đất và trồng cây chắn sóng, lấn biển gần hai mươi năm nay.
Toàn cảnh đầm nhà anh Đoàn Văn Vươn nay đã có 3 chủ mới tiếp quản - Ảnh VĐH
Dân ở đây ai cũng sợ sệt, nhìn thấy mấy người lạ, đeo máy ảnh to, chụp ảnh với khuôn mặt đăm chiêu. Nhà báo Lê Tự là dân Kiến An, Hải Phòng nên khi giao tiếp với khẩu ngữ địa phương, một vài đàn ông trong thôn hết dần nghi ngờ và bắt chuyện. Có một cô gái làm nghề trồng hoa nhanh nhẹn rút máy điện thoại gọi nhưng cô nói máy tắt chú ạ. Cô gọi cho chị Nguyễn Thị Thương - vợ anh Đoàn Văn Vươn.
Chúng tôi ngồi nghỉ uống nước ở một quán nhỏ và hỏi chuyện người dân ở đây, ai cũng né tránh, không dám trả lời và không dám bắt chuyện. Hết một tuần trà, chúng tôi thấy một phụ nữ đi trên chiếc xe máy màu đỏ, phía sau là một phụ nữ nữa, họ đến tìm chúng tôi và tự giới thiệu: em là Nguyễn Thị Thương - vợ của anh Đoàn Văn Vươn. Còn cô này là Phạm Thị Báu, ở nhà chồng gọi là Hiền - vợ Đoàn Văn Quý, em trai Đoàn Văn Vươn. Hình như có ai đó gọi điện thoại để vợ hai bị can ra gặp các nhà báo.
Chúng tôi đề nghị hai chị dẫn chúng tôi đến khu vực đầm nhà anh Vươn, nơi có cuộc cưỡng chế vừa xảy ra ngày 5/1/2012 vừa rồi. Hai chị đi trước dẫn đường, xe chúng tôi theo sau. Đến nơi đã có một số bà con người thôn Chùa trên, xã Vinh Quang cũng có mặt. Chị Hiền kể cho chúng tôi với vẻ mặt buồn bã, chị chỉ về phía khu đất mà nửa tháng trước đây là ngôi nhà hai tầng, tổ ấm của gia đình chị, chỉ còn là khu đất trống trải, gạch vỡ, bê tông sắt thép đã được dọn sạch như muốn nói đấy chỉ còn là bãi đất trống. Bây giờ chị Hiền không được đi vào khu đất ấy nữa. Chị không được quyền, các nhà chức trách địa phương nói với chị và các nàng dâu của họ Đoàn thế. Cấm không được vào khu đất ấy. Khu đầm nhà anh Đoàn Văn Vươn đã có ba người chủ mới đến tiếp quản, họ đã cho những kẻ vô lương tâm vào khai thác cá tôm, những thủy sản mà gia đình chị phải đổ mồ hôi nước mắt chăn thả và gần hai mươi năm trời lầm lũi trồng cây lấn biển.
Chị Phạm Thị Báu (Hiền) đi trước dẫn luật sư Vũ Lợi và nhà báo Lê Tự trong đoàn chúng tôi đến khu vực đầm nhà anh Đoàn Văn Vươn (người đi sau là chị Nguyễn Thị Thương, vợ anh Vươn) - Ảnh VĐH
Cụ bà gần tám mươi tuổi, người thôn Chùa trên, xã Vinh Quang cũng không dấu được nỗi uất ức, nghẹn ngào. Cụ nói năm nay tôi gần tám mươi, chưa bao giờ thấy cảnh này, như một lũ cướp ngày, thật ác độc, ai lại đi phá, san bằng nhà người ta… năm hết, tết đến rồi, chồng thì ngồi tù, vợ con li tán ở nhờ người thân như đi trốn, không dám gặp ai. Tôi chẳng sợ gì sất, tôi cũng gần đất xa trời rồi. Chúng tôi là dân đen, hãy cứu lấy chúng tôi. Cụ nói với chúng tôi bằng giọng đau sót rồi cụ ngân ngấn nước mắt, tôi may mắn lưu lại được bức hình của cụ sau khi lau những giọt nước mắt kia. Tôi hỏi tên, cụ nói: tôi tên là Chanh, Vũ Thị Chanh, người thôn Chùa trên, xã Vinh Quang này đây.
Cụ Vũ Thị Chanh gần tám mươi tuổi, người thôn Chùa Trên, xã Vinh Quang, Tiên Lãng. Ảnh bên là chị Nguyễn Thị Thương đang chỉ tay về phía đầm nhà mình, nay đã có chủ mới - Ảnh VĐH
Rồi chúng tôi theo hai người vợ của các bị can đến ngôi nhà một hội viên Hội nuôi thủy sản huyện Tiên Lãng thuộc xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, cách khu đầm chừng 3 km. Các chị đang phải ăn đậu ở nhờ ở đây trong tình thương yêu đùm bọc của những người cùng hội cùng thuyền. Ông chủ nhà là Vũ Văn Luân, thư ký hội nuôi thủy sản Tiên Lãng. Ông tâm sự với chúng tôi: đầm nhà ông cũng có lệnh thu hồi và cưỡng chế, nếu sự việc nhà anh Vươn không diễn biến như thế thì đầm nhà ông cũng vào tay người khác rồi. Nói chuyện với chúng tôi, ông tỏ ra là người nắm vững luật đất đai, các loại thông tư, chỉ thị nghị quyết… ông nghiên cứu khá kỹ nên ông cứ vanh vách dẫn điều nọ, khoản kia cứ như đang hành nghề luật sư vậy. Một lát sau, hai hội viên khác cũng đến gặp đoàn chúng tôi. Đó là ông Đặng Văn Thế và ông Lương Văn Trong.
Ông Lương Văn Trong là phó chủ tịch Hội nuôi thủy sản Tiên Lãng đã rất bức xúc cung cấp mọi thông tin của cuộc cưỡng chế cho chúng tôi. Và cho chúng tôi xem 1 lá đơn kiến nghị của bà con dân thôn của các xã trong huyện Tiên Lãng ký tên để gửi cho ông Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về việc ông ta phát ngôn: ngôi nhà của anh Đoàn Văn Quý bị phá là do nhân dân bất bình nên vào phá!
Chúng tôi còn được nghe nhiều lắm những thông tin từ chính bốn người vợ của các bị can tâm sự. Họ nói trong tiếng khóc nghẹn ngào, trong sự lo lắng không biết sức khỏe của thân nhân mình hiện như thế nào. Chỉ vài ngày nữa là Tết. Tết này, có lẽ là tết đầu tiên gia đình của họ bị ly tán. Tâm trạng hoảng loạn, sống trong sợ hãi đeo bám họ, làm họ ăn không ngon, ngủ không yên. Riêng với chị Phạm Thị Hiền vợ anh Quý và các con anh Quý thì Tết này thật bi thảm. Ngôi nhà bị phá, trong tay không còn cái gì, tất cả vật dụng gia đình, chăn màn, quần áo, phương tiện nghe nhìn,… phút chốc đã thành mây khói. Chị trắng tay. Thật khủng khiếp. Khi gặp được chị, chúng tôi hỏi, chị cứ như cố lảng tránh để không phải đụng tới vết thương xé da xé thịt vẫn đang âm ỉ cào cấu suy nghĩ và con người chị từng ngày, từng giờ.
Từ trái sang: Nhà báo Lê Tự, Phạm Thị Báu (Hiền), Lê Thị Thao, Phạm Thị Tươi, Nguyễn Thị Thương, luật sư Vũ Lợi (ảnh chụp tại sân nhà ông Vũ Văn Luân, thư ký Hội nuôi thủy sản Tiên Lãng). Ảnh VĐH
Thấu hiểu hoàn cảnh và nỗi đau của các gia đình bị can, luật sư Vũ Lợi, giám đốc Công ty Luật TNHH Hòa Lợi đã nhận bào chữa miễn phí cho phiên tòa xử các bị can đang bị giam với tội danh giết người. Bốn chị vợ của các bị can: Nguyễn Thị Thương, vợ Đoàn Văn Vươn, Phạm Thị Tươi, vợ Đoàn Văn Sịnh, Phạm Thị Báu (tức Hiền), vợ Đoàn Văn Quý, Lê Thị Thao, vợ Đoàn Văn Vệ đã ký vào đơn đề nghị, luật sư Vũ Lợi đã ký tên, đóng dấu vào Giấy giới thiệu gửi các cơ quan chức năng để được tham gia biện hộ. Văn bản này sẽ được chuyển vào trại tạm giam để lấy ý kiến của các bị can. Ơn trời cho mọi việc được xuôn sẻ.
Về đến đất Tiên Lãng Hải Phòng chiều đông cuối năm, được đứng trước khu vực đầm nhà anh Vươn, được nhìn thấy khu đất mà trước đấy là ngôi nhà 2 tầng của gia đình anh Quý, nay chỉ còn là một bãi đất như bãi đất hoang, tôi chợt lạnh người khi nghĩ: người ta có thể đối sử với đồng loại mình sao lại dã man ác độc vậy. Dù bất cứ là nguyên do gì thì quyết định phá nhà anh Quý là không thể tha thứ. Hành vi này ngoài công luận, luật pháp còn có trời xanh soi sét, soi sáng, bọn người ác độc chắc phải nhận quả báo, tôi nghĩ thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét