Sai phạm tí ti 18.000 tỷ đồng, “mất trinh” hay là…”thiếu trinh”?
Thứ Ba, 10/04/2012, 23:01Tam Thái
(Trái hay Phải) - Trong lúc đám học trò hứng khởi với đề thi về trinh tiết như thể chưa bao giờ được làm văn, thì người lớn, như mọi ngày, vẫn miệt mài cãi cọ về đủ thứ trên trời dưới biển của kiếp nhân sinh.
Đề văn luận về trinh tiết của Đại học FPT * vừa he hé một tí với công chúng ngay lập tức trở thành nóng sốt trên mặt các báo điện tử, được độc giả “com mần” ầm ầm với đủ sắc thái biểu cảm. Thế mới biết, chuyện cái màng trinh dù xa xưa cũ kỹ như lịch sử loài người nhưng lúc nào cũng mới mẻ hấp dẫn mọi tầng như nam châm hút mạt sắt. Bất kể giàu hay nghèo, già hay trẻ, cổ hay kim…cái màng trinh ấy vẫn khiến người ta vừa sợ nó như trẻ con sợ con ngáo ộp (nếu không giữ được nó thì quả là…đáng sợ đấy!) vừa làm cho người ta thích thú âm thầm (nói ra thì ngại chết đi được, nhưng tưởng tượng thì chao ôi…cứ như chả có gì bằng!). Khỏi phải nói, chỉ cần căn cứ vào việc các nhà giáo lâu nay tuyệt đối không nhắc đến chữ trinh trong các đề thi cũng đủ biết họ ái ngại thế nào với đề tài nhạy cảm này; thậm chí sách giáo khoa còn phải lướt qua cảnh yêu đương Chí Phèo – Thị Nở vì sợ học các học sinh cấp 3 đang tuổi ăn tuổi lớn suy nghĩ bậy bạ kia mà.
Nhưng, cũng như Lỗ Tấn tiên sinh từng ngậm ngùi kết luận, xưa nay ai cũng đề cao trinh tiết, dù rất ngại khi nói đến nó, đủ biết giữ gìn chữ trinh rất khó. Ngay Kim Trọng được tiếng là “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” cũng đòi “xem trong âu yếm có chiều lả lơi” trong đêm đầu tiên gặp gỡ nàng Kiều, rồi chính Kiều sau bao nhiêu bầm dập của cuộc đời cũng đã ân hận mà rằng biết thế thì “nhị đào thà bẻ cho người tình chung”, kia mà.
Tuy vậy, tuyệt đối không thể sớm lỏng dây cương với đám trẻ ngày nay về cái gọi là cuộc cách mạng tình dục. Như thể một bà mẹ chồng cay nghiệt với con dâu chỉ vì những khốn khổ một thời tuổi trẻ, hãy thử nghĩ mà xem, ngày xưa chúng ta đã bị cấm cản như thế nào, làm sao có thể dễ dàng cho chúng tự do dễ dàng như vậy, cho dù ai cũng biết những lời nói giả dối của cánh người lớn chúng ta làm đám trẻ con phát ngán.
Nếu bạn cảm thấy không vừa lòng với lời kết tội rằng người lớn chỉ toàn làm những điều giả dối và thuyết phục lẫn nhau cũng chẳng xong, xin mời hãy chịu khó lướt qua một lượt trên báo chí hôm nay.
Này nhé, Bộ Tư pháp tuýt còi thì cứ tuýt còi, việc tạm dừng nhập cư vẫn diễn ra bình thường tại Đà Nẵng *; Thanh tra Chính phủ vừa họp báo thông tin kết luận về sai phạm 18.000 tỷ đồng tại Petrovietnam, thì Tập đoàn này ngay lập tức cũng tổ chức họp báo mà phản pháo rằng những vấn đề tại đây không nên gọi là “sai phạm”, mà chỉ là khuyết điểm! * Chà, hay quá quá là hay, tuyệt cú mèo cái chiêu nhập nhằng đánh lận con đen này, không học thì uổng cả một đời đi học đấy.
Này nhé, nói sai phạm 18.000 tỷ đồng nghe rất chướng tai, khó nuốt trôi được vì cái ý cứ như bảo người ta ăn mất sạch ngần ấy tiền! Sao không dùng các cụm từ khác để chỉ cái sự việc ấy cho dễ nghe, như: có khuyết điểm với 18.000 tỉ đồng. Cũng như đừng nói “mất trinh” mà nên nói “thiếu trinh”, nghe dễ chịu hơn nhiều chứ, đúng không nào, thưa các quý độc giả? Các cụ nhà ta vẫn dạy rằng “lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” thế mà có nhiều kẻ cứ oẳng cái miệng ra là mất trinh, mất chức, sai phạm….khó nghe quá. Cần phải học tập đoàn Petrovietnam không phải cái ý “phản pháo” lại Thanh tra Chính phủ, nói ngược lại kết luận Thanh tra Chính phủ mà học cái cách làm “vừa lòng chính mình” trước bàn dân thiên hạ: thay từ “sai phạm” nặng nề kia bằng từ “khuyết điểm”! Ờ nhỉ, từ nay đừng ai dại dột kêu toáng lên là “mất trinh” nữa nhé, nếu bị tra vấn thì cứ nhẹ nhàng mà nói rằng: em không mất trinh, em thiếu trinh thôi.
Chưa hết, giữa lúc người dân Đà Nẵng vốn được tiếng là văn minh thanh lịch cũng đã chen lấn xô đẩy chỉ thiếu nước gây án mạng chỉ vì mấy cái mũ bảo hiểm, thì một công ty của Tập đoàn Dầu khí thảnh thơi tặng 2 chiếc ô tô tiền tỷ cho Bộ Giao thông.
Câu chuyện chiếc ô tô quà tặng này được hé lộ từ một vụ tai nạn mà cho đến chiều nay thì khó mà tìm được tờ báo nào vẫn tỏ ra dửng dưng với nó: Ô tô chở Bộ trưởng Giao thông gặp tai nạn. Thế nhưng còn khó hơn nữa là việc tìm một độc giả nào không lo lắng cho Bộ trưởng, thể hiện qua hàng loạt những phản hồi đầy mừng rỡ, như thể tiếng thở phào nhẹ nhõm: May mà Bộ trưởng đi xe ô tô, chứ nếu Bộ trưởng mà cũng như phần lớn người dân Việt Nam cứ thích ngồi trên xe máy vừa đi vừa hưởng khí trời, thì ai biết hậu quả sẽ thế nào?
Đến cuối ngày, người ta còn mừng rỡ hơn nữa khi nghe đích thân Bộ trưởng lên tiếng khẳng định việc các báo chỉ “đưa tin bậy bạ”, dù thông tin ấy đã được xác nhận bởi người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải, theo các báo.
Tạm bỏ qua vấn đề “ông nói gà, bà nói vịt” của mấy người lớn khiến đám trẻ con phát chán như đã nói ở trên, người ta băn khoăn tự hỏi sao chẳng thấy Bộ trưởng đính chính thông tin được cánh nhà báo lắm chuyện ngoặc thêm: Chiếc xe (nghe đồn) bị tai nạn do một Công ty Cổ phần thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (mua với giá 2,605 tỷ đồng) tặng Bộ. Ngoài chiếc xe kể trên, Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng một chiếc xe khác với trị giá khoảng 1,1 tỷ đồng.
Ừ, kể ra cũng chẳng có gì phải to chuyện, nếu bạn còn nhớ cái thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí và Bộ Giao thông mà các chữ ký chắc còn chưa còn ráo mực. Ừ, đúng là nếu có tình nghĩa với nhau như thế thì chuyện tặng một vài chiếc ô tô một vài tỷ có đáng là gì. Mà sao không nghĩ xem, nếu ngài Bộ trưởng hôm đó đi xe công trị giá chỉ vài trăm triệu và khá tồi tàn như một công bộc mẫn cán và quá ư liêm khiết thì tai họa sẽ như thế nào? Hú vía, may mà ngài đi xe xịn đấy.
Nhưng cũng qua chuyện này mới thấy, bên cạnh nỗi khổ bị báo chí phê bình mà Bộ trưởng từng có đôi lần phàn nàn, hóa ra làm Bộ trưởng đôi khi cũng có những niềm vui nho nhỏ khác. Này, Bộ trưởng Đinh La Thăng không chỉ được đi xe tặng đâu, mà xe ấy còn chẳng phải đóng phí nữa cơ, như chính đề xuất mới đây của Bộ.
Về phía Tập đoàn Dầu khí, có lẽ đây cũng là một minh chứng hùng hồn chứng tỏ những vấn đề được Thanh tra Chính phủ nêu không phải là “sai phạm”, mà chỉ là “khuyết điểm tí ti” như cách dùng chữ của tờ Pháp luật và Xã hội.
Dân Đà Nẵng đã quá xoàng khi so với Tập đoàn Dầu khí.
Còn về phía những người dân Đà Nẵng,
không hiểu vì chưa hết hoảng hồn với những loại phí (mới tỉnh tình tinh
là phí ATM) giữa buổi lạm phát, thóc cao gạo kém, hay quá sốt sắng với
chủ trương phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, mà họ suýt dẫm đạp lên nhau
để cướp được một chiếc mũ bảo hiểm xịn. Chỉ biết, nếu so sánh với công
ty nọ thuộc Tập đoàn Dầu khí đã tặng chiếc ô tô tiền tỷ * một cách nhẹ
tênh, thì dân Đà Nẵng quá xoàng.Riêng đối với Thời báo Kinh tế Việt Nam, tờ báo ngày hôm nay đã đặt một câu hỏi to tướng về “sai phạm tại Petro Vietnam và chuyện “hồi tố trách nhiệm”” *, xin mạn phép được trả lời là quý báo không phải lo.
Lọ mọ lên mạng tìm kiếm, người ta thấy ngày 5/3 vừa qua, theo thông báo kết luận số 101/TB-BGTVT, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu với các sai phạm được phát hiện, cần tập trung làm rõ vai trò trách nhiệm và kiến nghị xử lý nghiêm đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, tránh như thời gian qua có sai phạm phát hiện nhưng không có ai chịu trách nhiệm.
Văn bản này cũng chỉ rõ, trong xử lý không có trường hợp ngoại lệ, đồng thời phải hết sức chú trọng đến các thông tin phản ảnh của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội.
Với những ngôn từ, lời lẽ đầy quyết tâm như vậy của Bộ Giao thông vận tải, có thể khẳng định rằng Thời báo Kinh tế đã lo bò trắng răng khi viết chắc chắn sẽ vẫn còn đó những dị nghị trong dân chúng về những cú “hạ cánh an toàn”!
Vấn đề duy nhất khiến người ta e ngại, là dù học sinh Việt Nam rất kém trong việc “làm văn”, nhưng hình như người lớn thì có tài hơn nhiều. Dẫn chứng ư? Cứ thử nhìn nơi trước đây Bộ trưởng Giao thông từng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên thì đủ biết.
Theo Thanh tra Chính phủ, có 3 khoản đầu tư PVN góp vốn cho liên doanh Rusvietpetro, nhận nợ cho liên doanh này và cấp vốn điều lệ cho Tông ty thăm dò khai thác dầu khí với tổng số tiền 15.600 tỷ đồng đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận là chưa đúng vì các hoạt động này đều không thuộc các dự án trọng điểm dầu khí theo quy định để có thể lấy tiền quỹ đầu tư.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong buổi họp báo ngày 5/4 cũng đã lưu ý báo chí rằng cần phân biệt rõ giữa thất thoát và sai phạm khi đưa tin về kết luận thanh tra PVN, dùng từ thất thoát dễ gây hiểu lầm.
Nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN Phùng Đình Thực thì còn khó tính hơn nhiều trong việc cân nhắc từng câu từng chữ, nói khác đi là ông quả có năng khiếu làm văn, khi ông không chịu vừa lòng với từ sai phạm, mà đề nghị báo chí nên dùng từ khuyết điểm.
Nếu ông Chủ tịch muốn lẩy mấy câu Kiều được dùng làm đề thi của đại học FPT, chắc phải cho ra một kết quả mỹ mãn, tỷ như: Chữ sai kia cũng có ba bảy đường/Có khi biến có khi thường/Có quyền, nào phải một đường chấp kinh“.
T.Th.
Nguồn: Phụ nữ Today
(rinh từ BS về)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét